Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng mang sách mới đến tặng tôi vào một ngày mưa gió. Cuốn tiểu thuyết được ấp ủ từ rất lâu và cũng mất nhiều thời gian chờ đợi để thành hình. Nhà xuất bản Hội Nhà văn là “bà đỡ” cho đứa con tinh thần lần này của anh. Tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” kể cũng gian truân từ khi còn sáng tác, hàng năm chờ đợi, mang bản thảo từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác. Nhưng khi ra đời lại có một nỗi đau khác: tên sách bị in sai chính tả. Lỗi mo-rat ấy được NXB chỉnh lại bằng cách in bìa lót khác dán thay cho bìa cũ. Nhưng ở phần phụ lục, lỗi chính tả vẫn còn nguyên như một cái gai đâm vào lòng tác giả và bạn đọc…
|
Tập truyện thiếu nhi “Người mẹ và con quỷ” của nhà văn Ngọc Châu |
Nỗi đau in ấn
Tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng không phải là trường hợp duy nhất nhận nỗi đau in ấn. Cuốn sách tặng thứ hai tôi được nhận sau đó ít lâu – “Người mẹ và con quỷ” (Nhà xuất bản Văn học) của nhà văn Ngọc Châu có nhiều lỗi mo-rat gấp hàng chục lần trong từng trang truyện. Chỉ trong truyện ngắn đầu tiên, ở những trang đầu cũng tới hàng chục lỗi. Có lỗi luận ra được, nhưng có lỗi đánh đố bạn đọc. Cảm giác như ăn một bát cơm có quá nhiều sạn nên không thể tiếp tục được. Và khi cầm cuốn truyện lên rồi, dù có muốn đọc tiếp cũng đành đặt xuống.
|
Một số trang in dày đặc lỗi bản thảo trong phần đầu của tập truyện |
Lỗi in ấn của các NXB có tiếng hiện nay không phải bây giờ mới gặp. Nếu sách được mua ở các chiếu sách ngoài vỉa hè, sẽ có người hoài nghi đó là sách giả, in lậu. Còn đây là sách được tặng từ tác giả, có nghĩa là sách xịn từ “lò” đi ra thì không thể có khả năng ấy. Chỉ có một nguyên do: bất cẩn trong khâu soạn thảo của người viết, người biên tập hoặc bộ phận xuất bản. Và đó cũng là sự cẩu thả trong quá trình biên tập và in ấn.
Chưa đủ điều kiện thì không nên xuất bản
Với tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, lỗi chính tả ở bìa lót của sách và trang phụ bản thuộc về nhà xuất bản. Chữ “Dòng sông chở kiếp” được in trang trọng thành “Dòng sông trở kiếp” ở những vị trí dễ nhìn thấy nhất. Sự cẩu thả của bộ phận xuất bản hiển hiện rõ đến mức, sau khi sự cố xảy ra, họ chỉ thay bìa lót mà mặc kệ trang phụ bản sờ sờ lỗi chính tả. Cuốn sách tặng đến ai, tác giả lại phải mất một hồi giải thích và bảo người đọc đừng chú ý đến lỗi bìa sau ấy.
|
Bìa tiểu thuyết “Dòng sông chở kiếp” của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng và phụ bản in sai chính tả của NXB Hội Nhà văn |
Nhưng với cuốn sách của tác giả Ngọc Châu, nhiều lỗi đánh máy xuất phát từ quá trình soạn thảo của chính tác giả. Người viết ngờ rằng, sự cẩu thả và ẩu trong các khâu biên tập, xuất bản của nhà xuất bản khiến những hạt sạn còn nguyên sau bao khâu dây chuyền để đến tay bạn đọc. Ở trang phụ bản đề rõ, biên tập và sửa bản in đều là Nguyễn Thu Hà, chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Cừ. Nhưng nhìn vào sản phẩm ra mắt bạn đọc với giá 29.000đ/cuốn cùng từng ấy lỗi, thì ai cũng biết là không hề có sự biên tập hay sửa bản in nào cả.
Người viết ví dụ ra đây một số lỗi bản thảo cơ bản chỉ trong trang 9 của truyện “Người mẹ và con quỷ”, phần “Bà phù thủy ngái ngủ”: “ngày” thành “ngầy”; “sắc” thành “sách”; “cháu” thành “chấy”; “ria” thành “gia”; “sau” thành “say”… Còn có quá nhiều lỗi ở các trang khác không thể “dịch” được. Những hạt sạn nếu ít thì người ăn bát cơm cũng cố nhằn để nuốt cho trôi, nhưng nhiều sạn quá mà toàn sạn to thì bát cơm ấy có lẽ dù ngon đến mấy cũng khiến người ăn phải bỏ.
Việc NXB Văn học vẫn cho giấy phép xuất bản cuốn sách có quá nhiều lỗi thô thiển này cảnh báo về sự cẩu thả. Bên cạnh đó là nội dung không hề phù hợp với thiếu nhi, thiếu tính giáo dục nhưng vẫn được “dán mác” tập truyện thiếu nhi. Tất cả những lỗi ấy cho thấy sự coi thường bạn đọc của cả tác giả và NXB. Thiết nghĩ, với những cuốn sách chưa được biên tập kỹ, chưa được tinh chỉnh thì NXB chưa nên cấp giấy phép xuất bản. Mặt khác, cần cân nhắc thể loại truyện phù hợp với từng nhóm bạn đọc thay vì xuất bản tràn lan theo đề xuất của tác giả mà không chú ý đến nội dung cụ thể. Điều này không chỉ gây mất uy tín của NXB mà còn làm mất lòng tin của công chúng vào các thể loại sách mà NXB ấn hành.
Linh Chi