Đường đến những con đường

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Ông Nguyễn Hữu Khanh, một Việt kiều ở Mỹ, Tết Canh Dần này trở về thăm quê sau gần 35 năm xa cách. Xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, ông không thể tin vào mắt mình bởi những con đường đất ngoằn ngoèo đã một thời in dấu chân tuổi thơ của ông ở xóm Chuối, phường Vĩnh Trung ngày xưa, bây giờ là những đại lộ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh, thương xá Vĩnh Trung Plaza... sầm uất.  

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Ông Nguyễn Hữu Khanh, một Việt kiều ở Mỹ, Tết Canh Dần này trở về thăm quê sau gần 35 năm xa cách. Xuống Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, ông không thể tin vào mắt mình bởi những con đường đất ngoằn ngoèo đã một thời in dấu chân tuổi thơ của ông ở xóm Chuối, phường Vĩnh Trung ngày xưa, bây giờ là những đại lộ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh, thương xá Vĩnh Trung Plaza... sầm uất.

Về thăm lại quê hương sau bao nhiêu năm tha phương, bên cạnh sự ngỡ ngàng của ông về những khu phố mới cao tầng bên bờ hồ Thạc Gián đầy cỏ dại ngày nào là những con đường rộng mở, tấp nập người qua lại nao nức đón Xuân về... Là người đã từng làm ở ngành công chính trước khi xa quê hương, ông Khanh hiểu rất rõ về Đà Nẵng trước đây, so sánh với Đà Nẵng bây giờ, để rồi nhận định, muốn phát triển kinh tế-xã hội, bước đột phá đầu tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng, muốn cơ sở hạ tầng phát triển, giao thông phải đi trước một bước, đó là hướng đi đúng của thành phố Đà Nẵng...

Cũng như ông Khanh, người dân Đà Nẵng đều hiểu rất rõ rằng, Đà Nẵng có được diện mạo như ngày hôm nay, khâu đột phá đầu tiên chính là phát triển hệ thống giao thông đô thị. Với tầm nhìn chiến lược đó, Đà Nẵng đã làm những gì có thể làm được để tạo nên một tầm cao mới về định hướng sự phát triển của thành phố cho hôm nay và cho cả mai sau...

Ông Khanh vẫn còn nhớ qua sách vở mà ông đã đọc về giao thông ở Đà Nẵng thời Pháp thuộc. Đà Nẵng, với vị trí chiến lược quan trọng nên ngay từ đầu thế kỷ 20 đã có một cơ sở hạ tầng giao thông với đầy đủ các phương thức như hàng không (từ năm 1926), cảng biển (từ thế kỷ 16), đường bộ, đường sắt (từ năm 1905). Tuy nhiên, kể từ khi thành phố hình thành đến cuối thế kỷ thứ 19, Đà Nẵng chỉ có 13 con đường. Thời Pháp thuộc, Đà Nẵng có những con đường chính đếm trên đầu ngón tay như: Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng), Avenue du Musee (đường Trần Phú), Cle’mencean (đường Quang Trung), Mriơ Pourpre (đường Phan Châu Trinh), Yules Ferry (đường Hùng Vương), Dela Graendière (đường Hoàng Văn Thụ)...

Đường Bạch Đằng đêm hội

Đường Bạch Đằng đêm hội

Đà Nẵng lúc bấy giờ chỉ có một cây cầu đặt tên một viên tướng Pháp là cầu De Lattre de Tassyny (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Đến năm 1954, Đà Nẵng nâng lên 45 con đường nhưng chỉ tập trung chủ yếu chung quanh tòa thị chính thành phố và khu vực tả ngạn sông Hàn. Việc giao lưu của người dân hai bờ Đông Tây sông Hàn chủ yếu là bến đò Hà Thân (nay là cầu quay Sông Hàn). Thời Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, Đà Nẵng là một đô thị sầm uất phục vụ cho chiến tranh. Cầu, đường, bến cảng chỉ để dành chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực và nhu yếu phẩm cho chiến tranh.

Nhiều người ở Đà Nẵng đều cảm nhận, sau ngày chia tách tỉnh, nhất là sau khi có Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố trở thành một đô thị lớn của cả nước. Để làm được điều này, lãnh đạo thành phố đã đề ra 12 chương trình hành động. Một trong 12 chương trình đó là: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, xây dựng Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại”... Và Đà Nẵng như một công trường lớn, công trường mở rộng và phát triển hệ thống giao thông đô thị. Mỗi một năm trôi qua là thêm hàng chục khu dân cư, hàng chục con đường mới hình thành. Đến năm 2007, thành phố đã có 256 con đường đô thị và giao thông nông thôn, với chiều dài 645 km và hàng trăm km đường nội bộ trong các khu dân cư. Và đến đầu Xuân này, Đà Nẵng có gần 300 con đường (không kể các đường kiệt, hẻm, đường đất) với tổng chiều dài gần 700km. Mỗi một con đường mới mở ra, một khu dân cư mới hình thành đã giúp cho Đà Nẵng có thêm một tầm nhìn, một bài học quý về phát triển giao thông đô thị để tạo nên một diện mạo mới của thành phố ngày hôm nay...

Đường ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc

Đường ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc

Nhờ sự đồng thuận của người dân thông qua chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và chủ trương “khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” trong khu đô thị và nông thôn đã giúp cho thành phố giải tỏa hơn 80.000 hộ dân sau hơn 12 năm chia tách tỉnh. Nhờ đó, nhiều đại lộ như Cách mạng Tháng Tám, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và nhiều con đường khác trong nội thành, đồng thời đã kiên cố hóa nhiều con đường vành đai như Cầu Đỏ-Điện Hồng, Túy Loan-Dốc Kiền, Hòa Khánh-Hòa Ninh, Miếu Bông-Cẩm Lệ... kết nối với mạng lưới giao thông nông thôn-miền núi.

Thực tế cho thấy, người dân Đà Nẵng không chỉ đồng thuận trong việc chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa mà còn tham gia đóng góp sức người, sức của thông qua đầu tư các tuyến đường thiết yếu với sinh hoạt nhân dân. Hầu hết các đường kiệt hẻm, đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa với sự đóng góp bằng vật liệu và ngày công của nhân dân chiếm từ 20-30% giá trị công trình, với hệ thống chiếu sáng, mương cống thoát nước, góp phần cải thiện điều kiện sống ở nhiều khu dân cư. Tổng giá trị đất đai, vật kiến trúc và tiền của mà nhân dân đóng góp lên đến nhiều trăm tỷ đồng, mà đỉnh cao là chiến dịch toàn dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng cầu quay Sông Hàn, thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “ý Đảng, lòng dân”.

Đà Nẵng đã có một tầm nhìn chiến lược trong việc quy hoạch phát triển thành phố, tận dụng được lợi thế so sánh của thành phố trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đã phát huy lợi thế thiên nhiên ban tặng, làm cho mạng lưới giao thông được phát triển với đầy đủ các phương thức, ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, còn giúp tăng cường các mối quan hệ giao lưu trong nước và quốc tế. Và người dân Đà Nẵng đều tin rằng, một ngày không xa nữa, Đà Nẵng sẽ trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.

Ghi chép của Lê Văn Hoa

Đọc thêm