Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung chỉ làm vua 3 năm rồi nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, còn mình về quê hương Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng và cho xây dựng kinh đô thứ hai Dương Kinh. Với những dấu tích còn lại, Dương Kinh cho chúng ta hình dung về một kinh đô trước biển được quy hoạch vừa có cung điện, lăng tẩm, chùa chiền vừa mang tính chất của một đô thị với thương nghiệp phát triển sầm uất. Tại hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các nhà khoa học cung cấp nhiều thông tin quý giá giúp tái hiện diện mạo của vùng đất Dương Kinh mà trung tâm là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).
Kinh đô rộng lớn với quần thể kiến trúc độc đáo
Tiến sĩ Đặng Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội khẳng định, Dương Kinh là vùng căn bản của nhà Mạc, có địa bàn rộng lớn, dân cư đông đúc với những trung tâm kinh tế thương mại sầm uất như Minh Thị, đền Gắm, Do Nha, Tân Tiến và cả vùng Chu Đậu… Đất Dương Kinh xưa không chỉ là đất Hải Dương ngày nay mà còn bao gồm cả địa bàn Hải Phòng, một phần Thái Bình và một phần đất Kinh Bắc. Trước khi lên làm vua, Mạc Đăng Dung rất chú ý xây dựng các công trình quân sự, công trình kiến trúc ở vùng Dương Kinh. Trung tâm là vùng đất Cổ Trai với các cung điện, lầu gác có quy mô lớn như điện Phúc Huy, Tường Quang, điện Hưng Quốc, Vườn Sắn, khu Mả Lăng… Phía đông và phía nam của Dương Kinh là biển Đông, phía tây và phía bắc là sông Thái Bình, sông Hàn. Vùng tiếp giáp với trung tâm Dương Kinh là sông Văn Úc, sông Đa Độ.
Trong tham luận của mình, Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền cùng cộng sự công bố kết quả nghiên cứu minh chứng về một kinh đô Dương Kinh với nhiều quần thể kiến trúc khác nhau chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật to lớn. Qua nghiên cứu những dòng sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn… các tác giả khẳng định “làng Cổ Trai chính là quê hương của Mạc Đăng Dung, đồng thời là trung tâm của Dương Kinh nhà Mạc”. Trước khi trở thành kinh đô thứ hai, ở vùng đất Cổ Trai – Dương Kinh đã có điện Hưng Quốc – nơi ở và nơi làm việc của Mạc Đăng Dung trong thời gian phò tá nhà Lê. Bên cạnh đó, theo Đại Việt sử ký toàn thư, và Đại Việt thông sử, điện Tường Quang được Đăng Doanh dựng để Mạc Đăng Dung ở khi lui về làm Thái Thượng Hoàng không chỉ là nơi ở của Mạc Đăng Dung mà còn là nơi thiết triều hằng tháng của vua tôi nhà Mạc thời bấy giờ. Ngoài ra, các lăng mộ của thân phụ, thân mẫu của Mạc Đăng Dung và của chính ông ở Cổ Trai cũng là quần thể kiến trúc có quy mô lớn. Đến thời Lê Quý Đôn, khu lăng mộ nhà Mạc ở Cổ Trai được gọi là Mả Lăng. Như vậy, Cổ Trai – trung tâm của Dương Kinh nhà Mạc được xây dựng với quy mô lớn gồm các quần thể kiến trúc để ở, sinh hoạt, nơi thiết triều và lăng mộ. Đây không chỉ là “thang mộc ấp” mà còn là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn của nước Đại Việt thế kỷ 16.
Luận điểm này được minh chứng đầy thuyết phục qua kết quả cuộc điều tra thám sát và khai quật khảo cổ ở khu di tích Dương Kinh (huyện Kiến Thụy) của Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa – Thông tin thành phố năm 2004. Thám sát và khai quật tại 3 địa điểm Gò Gạo, Gò chữ Công và Gò Quan Thiệu, các nhà khoa học tìm thấy vết tích tường bao phía nam và nhiều đống vật liệu đổ của điện Hưng Quốc như các vệt ngói, tượng con giống (chủ yếu là các mảnh tượng nghê bằng đất nung màu xám xanh), các mảnh vỡ từ lon, chậu, hũ, nồi… đất nung màu xám tím thô, đồ gốm; dấu vết gia cố nền và móng của kiến trúc điện Tường Quang, gạch vồ, ngói ống, tượng trang trí và các mảnh sứ của niên đại thế kỷ 15, 16. Số lượng lớn các loại hình vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc được tìm thấy phản ánh rõ sự phân bố đậm đặc của các công trình kiến trúc nơi đây.
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn diện mạo Dương Kinh
Những kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo lần này mang đến những phát hiện thú vị về vùng đất Dương Kinh – kinh đô trước biển đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn khẳng định, con số 108 di tích nhà Mạc phân bố ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng chưa phải là kết quả thống kê đầy đủ với những di tích nhà Mạc hiện còn trên mặt đất và trong lòng đất. Kinh đô thứ hai Dương Kinh là một trong những khu di tích rất lớn của nhà Mạc chưa được nghiên cứu nhiều bởi nó nằm sâu trong lòng đất. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học của cuộc khảo sát năm 2004 góp phần phác thảo phần nào diện mạo của một kinh đô nhà Mạc thế kỷ 16 nhưng lòng đất Cổ Trai chắc chắn còn mang những bí ẩn về một Dương Kinh tráng lệ. Tiến sĩ Sơn cho rằng, với hệ thống di tích gồm đền, đình, chùa, miếu với một loạt di vật tiêu biểu của thời Mạc như bia ký, tượng tròn, lan can, thành bậc, vật liệu kiến trúc, dấu tích lò nung, dấu tích thành quách… cần được quan tâm nghiên cứu. Trên cơ sở đó, cần có kế hoạch trùng tu, phục dựng một vài công trình tiêu biểu của Dương Kinh như một hình thức tri ân của thế hệ hôm nay với những đóng góp của Vương triều Mạc vào lịch sử phát triển của dân tộc./.
Hồng Châm