EU thông qua kế hoạch phòng thủ chung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên minh châu Âu đã thông qua Chiến lược La bàn - một chiến lược phòng thủ chung của toàn khối sẽ tạo ra một lực lượng triển khai của EU gồm 5.000 quân. 
Phiên họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại tòa nhà Europa ở Brussels, Bỉ, ngày 21/3/2022. Ảnh: AP
Phiên họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại tòa nhà Europa ở Brussels, Bỉ, ngày 21/3/2022. Ảnh: AP

Đây là một quyết định mang tính lịch sử đầu tiên của khối về vấn đề phòng thủ chung, nhưng về cơ bản, Chiến lược khiêm tốn hơn nhiều so với quân đội EU do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất.

“Liên minh châu Âu vừa phê duyệt Chiến lược La bàn”, Thủ tướng Latvia Edgars Rinkēvičs thông báo sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao châu Âu tại Brussels hôm 21/3. Ông nói, kế hoạch này cung cấp “một hộp công cụ cần thiết để EU trở thành một tổ chức quốc phòng và an ninh địa chính trị thực sự cùng với NATO” và chỉ là “bước khởi đầu” cho tương lai quân sự của khối.

Bản thân kế hoạch này đã có từ năm 2020, được đề xuất bởi Hội đồng Châu Âu. Kể từ đó, nó đã bị chỉ trích bởi các quốc gia Đông Âu và những lực lượng trung lập, những người luôn tìm kiếm sự đảm bảo rằng chỉ có các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình do khối này thực hiện và Liên hợp quốc được trao một vai trò trung tâm trong việc ra quyết định.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của xung đột ở Ukraine đã khiến kế hoạch được thông qua. Ở hình thức hiện tại, Chiến lược La bàn nhằm mục đích cải thiện hợp tác giữa các quân đội châu Âu hiện có, thúc đẩy hợp tác với NATO, củng cố khả năng phòng thủ mạng và tạo điều kiện đầu tư chung vào nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra “năng lực triển khai nhanh chóng” 5.000 quân của EU, đánh dấu bước đầu tiên mà khối này thực hiện nhằm tạo ra một quân đội chung. Bước tiến quân sự hóa này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí và đạn dược trị giá 450 triệu euro (497 triệu USD) cho Ukraine.

Dù đây là một bước đi chưa từng có đối với liên minh, nhưng Chiến lược La bàn vẫn thiếu sự ủng hộ thành lập một quân đội thống nhất. Ông Macron từ lâu đã là người đề xuất thành lập một quân đội EU và giảm bớt sự phụ thuộc của khối vào NATO, một liên minh mà ông gọi là "chết não" vào năm 2019.

Ông Macron tiếp tục thúc đẩy một lực lượng chiến đấu của EU độc lập với NATO vào đầu tháng này, tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã "thay đổi kỷ nguyên" đối với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia Đông Âu vẫn muốn dựa vào NATO cho các nhu cầu quốc phòng của họ nên chưa thể có một lực lượng quân đội EU thống nhất.