Faravahar - biểu tượng của ánh sáng, sự ấm áp và sức mạnh thanh tẩy thân tâm

(PLVN) - Theo một thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 10.000 tôn giáo khác nhau, như Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo… Trong đó, mỗi tôn giáo lại có những tín ngưỡng, đức tin, những biểu tượng khác nhau.
Biểu tượng Faravahar của Hỏa giáo.

Tôn giáo lâu đời nhất còn tồn tại

Hỏa giáo hay Bái hỏa giáo là tôn giáo do nhà tiên tri Zarathustra sáng lập hơn 1.000 năm trước Công nguyên tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Zarathustra được cho là sinh ra ở vùng ngày nay là đông bắc Iran hoặc tây nam Afghanistan. Theo quan niệm của người theo Hỏa giáo, Zarathustra có tầm nhìn thần thánh về một đấng tối cao sau khi nhận được “thần khải” ở tuổi 30.

Ông bắt đầu dạy các tín đồ thờ cúng một vị thần duy nhất là Ahura Mazda, tức Thượng đế, Thiên Chúa duy nhất hay Đấng Toàn năng, Đấng Sáng tạo. Do đó, Hỏa giáo còn có tên là Mazdaism hoặc Magism. Có ghi chép thậm chí cho rằng tôn giáo này xuất hiện lần đầu từ hơn 4.000 năm trước. Được cho là đức tin độc thần đầu tiên trên thế giới, đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất vẫn còn tồn tại với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư).

Thời kỳ đầu, Hỏa giáo phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo của Đế quốc Ba Tư trong các triều đại Achaemenid, Arsacid và Sassanid. Lịch sử Ba Tư xác nhận,

Bái Hỏa giáo là quốc giáo của vương quốc này trong 13 thế kỷ, từ thế kỷ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Từ Ba Tư, niềm tin của Hỏa giáo được lan truyền khắp châu Á thông qua Con đường Tơ lụa.

Một số học giả nói rằng các nguyên lý của Hỏa giáo đã giúp hình thành các tôn giáo lớn như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo - thông qua ảnh hưởng của Đế chế Ba Tư. Vào năm 651, nhà Sassanid bị lật đổ trong cuộc chinh phạt của người Hồi giáo. Kể từ đó, Hỏa giáo suy yếu dần tại Ba tư trước sự bành trướng của Hồi giáo trong khu vực. Sau cách mạng Hồi giáo tại Iran, nhiều tín đồ Hỏa giáo sống tại Ấn Độ đã di tản sang các nước như Mỹ, Australia, Ấn Độ, Pakistan...

Hỏa giáo quan niệm và thờ kính duy nhất Ahura Mazda - một Thượng đế toàn năng, vô hình, bao trùm vũ trụ. Thượng đế trong Hỏa giáo biểu lộ mình thông qua các công trình của mình là thế giới và bản tính lương thiện, hòa hảo của con người. Ngoài ra, Ahura Mazda còn biểu lộ mình cho con người thông qua “Sáu Đấng thiêng liêng Bất tử” (Amesha Spenta) bao gồm 3 đấng bất tử mang tên nam và có tính chất nam và 3 đấng bất tử mang tính nữ và có tính chất nữ.

Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng, một trong các đóng góp lớn nhất của Hỏa giáo vào quan điểm của các tôn giáo trên thế giới hiện nay là quan niệm về cái ác. Theo quan niệm của Hỏa giáo, cái ác luôn xuất hiện trong đời sống và con người có thể chống lại cái ác thông qua các hành vi của mình và trong ngày phán xét chung cuộc, cái ác sẽ bị tiêu diệt. Tức là nguyên nhân cái ác, sự hiện diện, cách giải quyết cái ác và niềm tin vào cái thiệnđã được tôn giáo này đề xuất khá trọn vẹn.

Cũng theo Hỏa giáo, lịch sử nhân loại cũng gắn liền với lịch sử của cuộc tranh đoạt giữa cái thiện và cái ác để rồi sau cùng, cái thiện sẽ thắng lợi hoàn toàn. Hỏa giáo quan niệm, con người được Thượng đế tạo ra trong quá trình sáng tạo ra thế giới gồm cả phần linh hồn và thể xác. Phần thân xác sẽ chết, còn phần linh hồn sau khi chết sẽ phải chịu sự phán xét để được đến Thiên đường hoặc rơi xuống Địa ngục. Vẫn theo niềm tin tôn giáo này, con người hoàn toàn có thể đạt tới sự hoàn thiện ngay trong cuộc sống trần thế.

Một số ước tính cho rằng, hiện nay có khoảng 250.000 và 300.000 người theo Hỏa giáo trên toàn thế giới. Nhóm lớn nhất có khoảng 75.000 người, sống ở Ấn Độ và khoảng 40.000 người sống ở Iran. Ngoài ra còn có các cộng đồng tín đồ Hỏa giáo khá lớn ở Bắc Mỹ khoảng 18.000 đến 25.000 người, và các nhóm nhỏ hơn ở châu Âu và bờ biển phía đông của châu Phi.

Trong đền thờ của Hỏa giáo thường xuyên có một ngọn lửa để thờ, gọi là ngọn lửa vĩnh cửu vì được giữ không bao giờ tắt. Ngọn lửa trong ngôi đền Ateshkadeh có từ năm 470 dương lịch, truyền qua nhiều nơi trước khi được lấy về đền này vào đầu thế kỷ 20. Ngọn lửa hiện đang cháy trong một cái lò bằng đồng, đặt trong căn phòng có những lớp tường kính bao quanh. Mọi người chụp ảnh ngọn lửa qua bức tường kính ấy.

Biểu tượng nổi tiếng nhất

Một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Hỏa giáo là Faravahar, còn được gọi là Forouhar hoặc Farr-e Kiyani. Faravahar cũng là biểu tượng nổi tiếng nhất từ thời Ba Tư cổ đại. Faravahar là một biểu tượng cổ xưa của đức tin Hỏa giáo. Nó mô tả một người đàn ông có râu với một tay vươn về phía trước. Người này đứng trên một đôi cánh đang vươn ra từ một vòng tròn tượng trưng cho sự vĩnh cửu.

Theo quan điểm của người theo Hỏa giáo hiện đại, một trong những cách giải thích về faravahar là nó là đại diện của linh hồn con người và sự phát triển của con người cùng với những đức tính tốt đẹp. Một cách giải thích phổ biến khác cho rằng biểu tượng này là hình ảnh đại diện cho Thần hộ mệnh Fravashi, mặc dù Fravashi được miêu tả trong văn học Hỏa giáo là nữ tính. Một trong những quan điểm phổ biến nhất trong giới học thuật về ý nghĩa của faravahar cho rằng nó đại diện cho Khvarenah, tức sức mạnh thần thánh và vinh quang của hoàng gia.

Cũng có ý kiến khẳng định, nhân vật con người ở trung tâm của biểu tượng thường được dùng để đại diện cho linh hồn con người. Hình ảnh này đại diện cho sự khôn ngoan. Một bàn tay của người này hướng lên trên, thúc giục các tín hữu luôn phấn đấu để cải thiện và đạt được những bước tiến cao hơn.

Mặt khác, người này nắm một chiếc nhẫn, được cho là đại diện cho lòng trung thành. Vòng tròn mà từ đó con số xuất hiện có thể đại diện cho sự bất tử của linh hồn hoặc hậu quả của hành động của chúng ta. Hai cánh gồm có ba hàng lông chính, tượng trưng cho những suy nghĩ tốt, lời tốt và hành động tốt, là nền tảng của đạo đức của Hỏa giáo. Phần duôi tương tự như vậy bao gồm ba hàng lông vũ, đại diện cho những suy nghĩ xấu, những lời xấu và hành động xấu. Hình ảnh này nhắc nhở người theo Hỏa giáo phải phấn đấu để tăng cấp bậc lên.

Việc sử dụng biểu tượng mặt trời có cánh của Hỏa giáo xuất phát từ mô tả của người Assyria ở Lưỡng Hà về vị thần có cánh Ashur. Biểu tượng trên được cho là đại diện cho Ahura Mazda, vị thần của Hỏa giáo.

Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng biểu tượng này được dùng để biểu thị các khái niệm khác, như Fravashi (Thần hộ mệnh), Farr hoặc Khvarenah (Ơn thánh), thần thánh nói chung và sức mạnh hoàng gia, sức mạnh tinh thần cá nhân… Nhìn chung, theo quan niệm của Hỏa giáo, mặt trời có cánh là biểu tượng mặt trời gắn liền với thần thánh, hoàng gia và quyền lực.

Faravahar được mô tả trên lăng mộ của các vị vua Achaemenid của người Ba Tư, như Darius Đại đế (522–486 trước Công nguyên) và Artaxerxes III (358–338 trước Công nguyên). Ngai vàng của Đế quốc Iran cũng được cho là hình ảnh trực quan về Farahavar. Theo đó, vị vua sẽ được ngồi ở giữa ngai vàng, có hình dạng giống như một cái bệ hoặc chiếc giường được nâng lên từ mặt đất.

Biểu tượng tôn giáo-văn hóa này đã được triều đại Pahlavi dùng để đại diện cho quốc gia Iran. Biểu tượng này cũng được sử dụng trên một số đồng xu của vào cuối thế kỷ thứ 3 và đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Từ đầu thế kỷ 20, biểu tượng faravahar đã xuất hiện ở những nơi công cộng và trở thành một biểu tượng nổi tiếng của người Iran. Lăng mộ của Ferdowsi (được xây dựng vào đầu năm 1930), được rất nhiều người Iran viếng thăm hàng năm, cũng có biểu tượng faravahar.

Lửa là một biểu tượng quan trọng khác của Hỏa giáo, vì nó tượng trưng cho ánh sáng, sự ấm áp và có sức mạnh thanh tẩy. Lửa, cùng với nước, được coi là biểu tượng của sự tinh khiết trong Hỏa giáo. Những nơi thờ phụng của người theo Hỏa giáo đôi khi được gọi là đền lửa. Mỗi ngôi đền lửa có một bàn thờ với ngọn lửa vĩnh cửu cháy liên tục và không bao giờ tắt.

Đọc thêm