Bí quyết làm đẹp của phụ nữ các dân tộc Việt Nam

Tùy theo đặc điểm vùng miền và sự đa dạng trong phong tục tập quán, mỗi dân tộc Việt lại có những bí quyết làm đẹp khác nhau. Dù thể hiện qua bộ trang phục mang màu sắc sặc sỡ hay những phương pháp riêng biệt như đội tóc giả, cà răng, căng tai…, thì tất cả đều hướng đến tôn vinh vẻ đẹp vốn có của dân tộc mình.
Bí quyết làm đẹp của phụ nữ các dân tộc Việt Nam

Người Thái

Hướng đến vẻ đẹp của một thân hình “eo kíu manh po" - thắt đáy lưng con tò vò, nên ngay từ khi còn nhỏ, người con gái Thái đã được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu” - một loại thắt lưng bằng vải. Chính nhờ vậy, khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Thái đều có dáng người uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ.

Chiếc khăn piêu làm vẻ đẹp người con gái thêm duyên dáng, e ấp. (Ảnh: Internet)

Chiếc khăn piêu làm vẻ đẹp người con gái thêm duyên dáng, e ấp. (Ảnh: Internet)

Không những thế, các cô gái cũng khéo léo đội chiếc khăn piêu hờ hững trên đầu, nhìn dịu dàng tựa như đất trời ngày xuân. Chiếc khăn này thường được thêu những hoa văn mô phỏng thiên nhiên, với những “cút piêu” - nút thắt trang trí và “sài peng” - tua vải màu ở hai đầu khăn.

Đối với người phụ nữ Thái, mái tóc có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí họ coi việc chăm sóc tóc là cả một nghệ thuật. Nếu trời phú cho ai có mái tóc đen, dày và dài thì đó quả thực là một diễm phúc.

Các cô gái Thái gội đầu trên sông. (Ảnh: Internet)

Các cô gái Thái gội đầu trên sông. (Ảnh: Internet)

Ngày xưa, phụ nữ Thái thường gội đầu với lá cây rừng để giữ tóc đen mượt. Khi lấy chồng, mái tóc sẽ được búi cao nơi đỉnh đầu (người Thái gọi là tăng cẩu) nhờ một chiếc trâm bạc cài cố định. Chiếc trâm đó vừa là trang sức, vừa thể hiện thứ bậc của người phụ nữ trong quan hệ xã hội.

Trước đây, phụ nữ Thái có tục nhuộm răng đen. Nhưng ngày nay các cô gái thích để răng trắng, đẹp. Họ thường dùng cỏ nhả xay (một loại cỏ mềm) hoặc miếng cau tươi để đánh răng, giúp răng vừa trắng, thơm, lại chắc chân lợi và không hại men.

Người Dao đỏ

Người Dao Đỏ rất coi trọng chuyện ăn mặc, họ coi trang phục là thứ thể hiện sự sáng tạo, duyên dáng và tinh tế của người phụ nữ. Một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của người Dao Đỏ phải có 5 màu cơ bản và đầy đủ: khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân.

Người ta dễ dàng phân biệt phụ nữ Dao đỏ với các phụ nữ Dao khác qua chiếc khăn đội đầu sặc sỡ. Khi đội lên đầu, họa tiết của các lớp hoa văn sẽ lộ ra, càng làm vẻ đẹp thêm cuốn hút. Nhiều người còn làm những tua len bằng sợi tơ đỏ trên khăn để chúng lúc lắc theo mỗi bước đi.

Phụ nữ Dao đỏ thường nhổ tóc cho nhau mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Phụ nữ Dao đỏ thường nhổ tóc cho nhau mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Người Dao đỏ còn có tục nhổ tóc vô cùng đặc biệt. Trong những ngày đông tàn, xuân đến, khi đàn ông bổ củi, làm thịt lợn thì người phụ nữ tụ tập gần bếp lửa nhổ tóc cho nhau đến khi sạch nhẵn quanh đầu. Sau đó, họ nấu sáp ong vuốt phần tóc trên đỉnh đầu làm chóp và trùm khăn đỏ.

Lâu dần thành quen, việc nhổ tóc đã trở thành chuẩn đẹp của phụ nữ Dao đỏ và cũng là cách thể hiện sự chính chuyên và đã yên bề gia thất. Tuy nhiên ngày nay, do tác động và sự phát triển chung của xã hội, chỉ có những người phụ nữ trung niên và cao tuổi còn giữ tục nhổ tóc.

Người Hà Nhì đen

Bên cạnh bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Hà Nhì đen rất chú ý đến mái tóc. Họ sáng tạo ra bộ tóc giả, chiếc mũ, kiểu khăn không chỉ để giữ ấm mà còn để làm đẹp và thể hiện sự khác biệt về tuổi tác và tình trạng hôn nhân.

Bộ tóc giả của người Hà Nhì đen được bện bằng sợi tách ra từ vỏ, rễ cây trong rừng. Đồng bào cũng khai thác một số loại cây cỏ đặc biệt để chế biến, chiết xuất thành thuốc nhuộm. Họ đổ thuốc vào một cái máng gỗ rồi nhúng tóc giả vào nhuộm nhiều lần sao cho chúng có màu đen bóng nhìn giống như tóc thật. Để có bộ tóc giả ưng ý, đúng kiểu, đồng bào phải tốn khá nhiều thời gian và công sức.

Cô gái Hà Nhì đen với bộ tóc giả óng mượt. (Ảnh: danviet)

Cô gái Hà Nhì đen với bộ tóc giả óng mượt. (Ảnh: danviet)

Trong ngôi nhà của người Hà Nhì đen thường có vài ba bộ tóc giả treo trên vách. Ngày thường cũng như ngày hội, người phụ nữ đều không rời bộ tóc giả này. Họ luôn mang theo chiếc lược nhỏ để chải lại tóc mái và khi cần thì xổ ra chải chuốt lại cho thẳng, không để tóc lòa xòa xuống phía trán.

Sự khác biệt giữa phụ nữ chưa chồng và đã có chồng chính là cách đội tóc giả và khăn. Tóc và khăn đội lệch 1 bên là các cô gái chưa chồng, đội chính giữa đầu và có thêm mảnh khăn trên cùng là phụ nữ đã có gia đình.

Người M’Nong

Từ xa xưa, người M’nông đã biết tận dụng những sản vật từ thiên nhiên để làm “mỹ phẩm” để làm đẹp. Người M’Nong có những phương pháp riêng để khiến cho tóc mềm mượt, đen nhánh, môi đỏ, má hồng hay cho móng tay hồng hào hơn.

Quan niệm của người M’nông xưa về vẻ đẹp trên khuôn mặt của con người là phải “cà răng, căng tai”. Cà răng là một cực hình rất đau đớn, khổ sở nhưng các chàng trai, cô gái miền sơn cước vẫn tự nguyện xin được cà răng để hội nhập vào xã hội và cộng đồng, để được mọi người trong buôn làng công nhận là đẹp và đã trưởng thành.

Người M’Nong coi cà răng, căng tai như một phương pháp làm đẹp. (Ảnh: Internet)

Người M’Nong coi cà răng, căng tai như một phương pháp làm đẹp. (Ảnh: Internet)

Về tục căng tai, người M’Nong quan niệm đây không chỉ là một phương pháp làm đẹp mà còn để phô trương thân thế, sức mạnh trước cộng đồng. Đồng bào cho rằng, vòng tai càng rộng thì càng tốt, càng đẹp, càng quý phái và sang trọng. Chỉ nhìn hai bên tai đeo những thứ gì là có thể biết được người đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Do đó, để được “đẹp”, người ta đã lấy những khoanh ngà voi đủ độ nặng để đeo vào tai, qua thời gian sẽ làm vòng tai rộng ra.

Hoàng Ngọc

Đọc thêm