Chàng trai 9x đắm say… tà áo cổ

(PLVN) - Xuất phát từ dân truyền hình, sau vài năm đi quay phim, chàng trai trẻ 9X Nguyễn Đức Lộc đã tìm lại bản ngã của chính mình. Và Ỷ Vân Hiên ra đời vào tháng 5/2018 với mong muốn nghiên cứu phục dựng trang phục truyền thống, nghi lễ cung đình và dân gian. Họ đã phục dựng thành công một số trang phục áo dài cổ của người Việt như áo ngũ thân, áo giao lĩnh, hài, quạt, gối xếp…
Gối tựa, hài và những tà áo xưa thương nhớ ẩn hiện trong cuộc sống hôm nay
Gối tựa, hài và những tà áo xưa thương nhớ ẩn hiện trong cuộc sống hôm nay

Bởi… quá yêu

Ỷ Vân Hiên của Lộc nằm trên tầng 2 của một ngôi nhà cổ trên phố Hàng Buồm. Đó là một không gian không thể Hà Nội hơn, nơi mà đứng ở ban công nhìn ra 4 hướng đều thấy những mái ngói với một màu trầm. Và khi đứng ở đó, dù ngoài phố kia có ồn ào và hỗn tạp đến đâu, dường như đều chẳng thể nào chạm tới không gian thư phòng đầy hoài nhớ, thấm đẫm tâm hồn Việt đến thế…

Và điều đặc biệt, chưa có cuộc phỏng vấn nào mà nhân vật của chúng tôi lại hào hứng, say mê mời chúng tôi trải nghiệm những chiếc áo ngũ thân, áo dài nguyên bản Việt, có trước khi những chiếc áo dài của họa sỹ Cát Tường ra đời hồi đầu thế kỉ 19…  Hỏi Lộc về cơn cớ đến với một công việc tưởng như quá “lạ” không chỉ  với người trẻ, chàng trai 9X với vóc dáng thư sinh nho nhã cho rằng, bởi từ nhỏ Lộc đã rất thích tìm hiểu văn hóa lịch sử, thích tìm hiểu những thứ xa xưa, thích đọc rất nhiều sách sử, học tiếng Trung… Thế rồi, trong quá trình tham gia các nhóm Ðại Việt Cổ Phong, Ðình làng Việt, Vietnam Center..., tình yêu với lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là với trang phục cổ trong Lộc càng thôi thúc cậu nghiên cứu, tìm hiểu. Từ đây, những bộ sưu tập áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt... mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền đã lần lượt được giới thiệu tới công chúng.

 

Chàng trai trẻ cho rằng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà Việt Nam trượt dài trong một vệt đứt gãy của văn hóa dân tộc. Người Việt ngày nay không còn khái niệm đúng đắn về lối ăn vận, tục lệ.v.v của ông cha xưa, bởi vậy mới sinh ra những việc dở khóc dở cười. Trong khi đó, văn hóa tinh hoa của Đại Việt không hề thua kém Nhật, Hàn, thậm chí trên nhiều phương diện còn nổi trội hơn. Chỉ đơn giản là, chúng ta không biết cách để làm sống lại nó, để nó trở lại với đời sống, để từ những nền móng cũ tưởng chừng như đã quá vãng. 

Nói tới tính ứng dụng của trang phục cổ xưa trong đời sống đương đại, chàng trai 9X cho rằng, các nhà thiết kế phải hiểu đúng và đủ về tinh hoa truyền thống mới có thể cách tân, phải hiểu trang phục truyền thống đẹp ở đâu để kết hợp những cái mới mà vẫn giữ được tinh hoa truyền thống. Có như thế, khi đứng giữa cộng đồng quốc tế, chúng ta và bạn bè thế giới vẫn nhận ra đó là trang phục của người Việt. 

 

Những nhớ thương kì lạ

Trên hành trình tìm về vốn cổ, Lộc đã rong ruổi, lọ mọ khắp mọi miền đất nước, đến những nơi khởi sinh của tà áo, của đôi hài, của chiếc nón, của lụa… Lộc tỉ mẩn cùng những nghệ nhân còn lại chút này để học hỏi, để thêm quý thân thương đến tận cùng với từng món đồ tưởng như nhỏ bé như cái khuy, khuyên cài, tua rua nón quai thao tựa như chiếc khuyên tai lớn để làm dáng của người phụ nữ xưa. Và hơn ai hết, Lộc hiểu, để làm nên cái áo xưa không hề đơn giản, còn tùy vào độ khéo léo của người làm, nhưng đã làm thì người đó đã quá đam mê và quyết chí nên dù xấu hay đẹp, đúng hay chưa đúng vẫn là những đứa con tinh thần những sản phẩm từ tấm lòng của người tạo dựng nên.

Và bởi thế, Lộc nói như “lên đồng” về từng món đồ vật. Đơn giản như chiếc gối xếp. Gối xếp thường ngày dùng để dựa tay, dựa chân và gối đầu. Đôi khi ngẫu hứng, người ta trải ra làm bàn tổ tôm. Trong nghi lễ hầu Thánh Tứ Phủ, chiếc gối xếp cũng là vật dụng phổ biến. Các Thanh đồng thường dựa gối ban khen trong giá hầu các Quan lớn, Chầu Bà, Ông Hoàng.

Trên nhiều pho tượng thờ cổ, đặc biệt là tượng thờ Mẫu Tứ Phủ luôn có sự xuất hiện của chiếc gối xếp. Kết cấu chiếc gối xếp thường gồm nhiều lá có vỏ may bằng những loại vải gấm, vóc, nhiễu…, ruột gối được khâu, nhồi bông khá cầu kỳ. Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội vua Minh Mạng là bậc nghệ nhân kỳ cựu tại xứ Huế về gối xếp, gối trái dựa. Mệ đã từng may gối, làm các vật dụng phục vụ cho vua Bảo Đại, Thái hậu Từ Cung và cũng từng may gối tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

 

Để làm nên một chiếc gối trái dựa hoàn hảo cần rất nhiều thời gian và công sức; đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng công đoạn, chi tiết làm sao cho chiếc gối thật cân đối, không bị phồng, không bị lệch. 

Không những thế, theo Lộc, áo dài của phụ nữ Việt xưa cũng hoàn toàn riêng có, không hề giống áo trường sam của người Tàu. Đó là áo dài Việt hay để lộ cổ áo lót trắng ở trong ra ngoài, trường sam thì hiếm khi như vậy. Cổ áo dài nam thường cao và vuông khép kín, trường sam thì cổ thấp và bo tròn theo kiểu “cổ tàu”. Đường vạt áo của trường sam thẳng chứ không cong võng như áo dài, phần eo của áo dài Việt vẫn có độ ôm hơn. Tà áo của trường sam thường dài gần chấm chân, áo dài Việt thường chỉ quá gối. Cúc áo của áo dài thường chỉ  cài đến eo, còn trường sam tùy biến có khi đến tận hông, số lượng và vị trí  cũng có khi nhiều hơn và tùy biến hơn so với áo dài. Ống tay áo của trường sam thường rộng hơn, có thể xắn lên được,  còn ống tay áo cũng Việt thì ôm chít lại, tiện cho việc nhà mà không phải xắn áo. Ngoài ra người Việt mặc áo dài kết hợp đi kèm với khăn vấn tóc cũng làm tổng thể tạo nên sự khác biệt với người phương bắc.

Nói đến việc may áo dài xưa, áo ngũ thân thoạt tưởng chỉ giống cách cắt may áo dài bình thường, nhưng xoay quanh lại lắm chuyện lạm bàn. Với áo dài ngũ thân, chỉ riêng việc đặt làm nút áo đã là cả nỗi công phu. Đơn cử, làm nút thắt thì cũng phải lao tâm, phải may tay cái vải làm khuya rồi lộn và kéo thắt thành nút thắt sao cho nhỏ và tinh nhã, lại phải biết kết giấu mối chỉ cho khéo léo. Cao cấp hơn thì kiếm chỗ đặt nút bằng ngà, hay xương động vật. Hạt nút thì nhỏ tầm 5 đến 6 li nhưng công làm đắt vô tận. Có 5 hạt nút cho khi mất nữa ngày công thợ mới xong. Còn ở dạng nút đồng, thì càng nhiêu khê. Mục sở thị anh thợ bạc, gò miếng đồng trong không tròn bán nguyệt rồi úp hai nửa tròn lại, tỉ mỉ hàn két tròn, rồi hàn cái khoen vào. Cả ngày trời được hai ba cái nút, rồi mài giũa, đánh bóng, mà đồng thì để lâu ngày thì đen, phải xi mạ lên… 

 

Hỏi Lộc về những kỉ niệm, những ám ảnh khi tìm về… quá khứ, Lộc kể, nhiều người đã khóc khi nhìn thấy những chiếc gối, những tà áo ngũ thân, đó là hình bóng của bà, của mẹ họ, của dòng tộc vang bóng một thời. Và Lộc đã nghe nhiều những tâm sự, những kí ức miên man đẹp đẽ và cả ám ảnh như thế… Mới đây, Lộc cùng các đồng nghiệp lần đầu được trực tiếp nghiên cứu một hiện vật cung đình quý hiếm, một bộ Phượng bào của Hoàng phi thời Đồng Khánh. Bộ Phượng bào này vừa được đấu giá thành công và hồi hương cố quốc, hiện lưu giữ ở Hà Nội. Dù không phải là lần đầu, nhưng khi chạm tay vào cổ vật, là cảm xúc rất khó tả, khi được nhìn tận mắt, chạm tận tay, từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết đều vô cùng tinh xảo và được chế tác với kỹ thuật rất cao.

Tiếp chúng tôi khi những cuộc gọi giục may áo của các nghệ sỹ, những người phụ nữ hoài cổ, những cô dâu chú rể muốn có áo dài “độc”,  Lộc chia sẻ, anh thật may mắn khi được sự đón nhận và yêu quý của những ai biết đến tà áo cổ. Lộc hy vọng, với niềm đam mê của mình sẽ có sức lan tỏa và sẽ viết tiếp câu chuyện văn hóa truyền thống, khơi dậy hơi thở xa xưa. Và những người trẻ ấy tin rằng, một ngày không xa, những chiếc áo ngũ thân cổ đứng khuy cài, những đôi hài mũi cong, những chiếc quạt sừng giấy dó kim châm sẽ trở nên quen thuộc trong nhiều lựa chọn của đời sống… Bởi những gì của văn hóa, lịch sử, sẽ luôn có sức sống mãnh liệt của nó…