Thổ cẩm - “mỏ vàng” thời trang Việt?

(PLVN) - Bằng sự khám phá, tìm tòi và sáng tạo của các nhà thiết kế Việt, thời trang thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm như một cơn bão đổ bộ lên sàn catwalk Việt và mau chóng “đốn tim” giới mộ điệu trong và ngoài nước. 
Thổ cẩm kết hợp với jean - cảm hứng dân tộc truyền thống kết hợp với hiện đại
Thổ cẩm kết hợp với jean - cảm hứng dân tộc truyền thống kết hợp với hiện đại

Thổ cẩm lên sàn diễn

Cuối tháng 3 vừa qua, tại Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu - Đông 2019, các nhà thiết kế (NTK) Genviet khiến mọi người ngây ngất khi được chiêm ngưỡng tinh hoa độc đáo của nền văn hóa thổ cẩm dân tộc trong bộ sưu tập 30 mẫu thiết kế mang tên “Nguồn”.

Dân tộc Mạ, M’Nông - 2 dân tộc chính của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đầy nắng và gió, rất phù hợp với chất liệu jeans mạnh mẽ. Họa tiết thổ cẩm, đắp vả mảnh thổ cẩm được khai thác một cách đầy nghệ thuật, độc đáo nên vừa mang nét truyền thống, gần gũi nhưng vẫn rất hiện đại. Genviet kết hợp các đường nét thêu tay trên chất liệu thổ cẩm mộc mạc, thấm đượm phong vị núi rừng.

Trước đó, những bộ sưu tập độc đáo của 11 nhà thiết kế Việt Nam đã dệt nên khúc ca liên hoàn giữa lụa, thổ cẩm và hoa bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đặc biệt đây là lần đầu tiên các nhà thiết kế nổi tiếng đưa thổ cẩm Nam Tây Nguyên lên sàn diễn thời trang.

50 người mẫu đến từ Hà Nội, TP HCM cùng 40 nữ sinh Đà Lạt và các sơn nữ dân tộc đã tham gia trình diễn các mẫu thiết kế, bộ sưu tập thời trang mới nhất của các NTK Minh Hạnh, Cao Duy, Hà Duy, Công Huân, Hoa hậu Ngọc Hân… trên chất liệu của lụa Bảo Lộc và thổ cẩm Mạ, K’Ho. Chương trình trình diễn thời trang ngoài trời vô cùng ấn tượng, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương đến xem và cổ vũ.

Năm 2017, sự kiện thời trang Việt Nam mà biểu trưng là bộ sưu  tập bằng chất liệu thổ cẩm của NTK Minh Hạnh đã chiếm trọn vẹn tình cảm của đông đảo quan khách trong đêm 14/9 tại khán phòng của trụ sở Liên Hợp quốc, Geneve Thụy Sỹ.

NTK Minh Hạnh chọn thổ cẩm của người H’Mông Tây Bắc đặc biệt tại vùng cao Hà Giang và chọn thổ cẩm của các dân tộc sống ở miền Trung như thổ cẩm dệt Zèng của người Tà Ôi, ALưới Huế, thổ người H’Rê tại Làng Teng, Bato, Quảng Ngãi.

Ông Gerard Boivineau (nguyên là Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ chí Minh) dẫn dắt: “Sự thành công này bắt nguồn từ chất liệu truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam với ý nghĩa sâu sắc từ cuộc sống trên những vùng cao. Với ngôn ngữ riêng, trang phục riêng, họ sinh sống bằng nghề làm ruộng, tự dệt vải từ những loại cây lanh, cây bông, cây dâu và nuôi tằm. Công cụ dệt rất thô sơ, họ tự làm ra khung dệt. Nhuộm vải từ những cây, lá, củ trong rừng”.

Nhận lời mời của chính quyền tỉnh Hauts de Seine và trong khuôn khổ sự kiện ra mắt dự án “Ngôi nhà Việt” trên đất Pháp, nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem đến Paris, kinh đô thời trang của thế giới, bộ sưu tập có tên “Hơi thở từ núi rừng Việt Nam” gồm các mẫu thiết kế áo dài và trang phục đương đại trên nền chất liệu thổ cẩm của hai dân tộc Mông và Cơ tu.

Sự kiện “Ngày Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và giới đầu tư trong lĩnh vực thời trang tại Pháp,  đã gây ấn tượng mạnh với các nhà ngoại giao Pháp và nhiều nước ASEAN cũng như công chúng gồm người dân Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. 

Đặc biệt, ngày 18/4/2013, giới truyền thông trong nước và quốc tế đã xôn xao khi cô bé Viviene - con gái của cặp đôi quyền lực Hollywood Jolie - Pitt diện một chiếc áo thổ cẩm cực đẹp mang hơi hướng hoa văn thổ cẩm của phụ nữ miền Bắc Việt Nam, vốn là quê hương của anh trai cô bé - Pax Thiên.

Nâng tầm chất liệu truyền thống

Từ sàn cattwalk, chất liệu thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm xuống phố gắn liền với các mẫu áo, váy, vest, jeans cùng phụ kiện: túi, mũi,  giày, xăng đan đã gây “bão”, “đốn tim” giới mộ điệu. Họa tiết thổ cẩm luôn màu sắc sặc sỡ, vậy nên, các bạn trẻ phối đồ với trang phục hay phụ kiện đơn sắc giúp hài hòa, ấn tượng.

Đại diện Genviet cho hay; “Không bao giờ là lạc hậu khi tìm về với bản sắc, với cội nguồn. Chúng tôi muốn gửi gắm vào BST “Nguồn”, tới những người yêu thời trang Việt về những giá trị văn hóa dân tộc, về những cảm xúc và góc nhìn mới lạ.” Cùng với sự bất ngờ thú vị về jeans khi kết hợp với “báu vật” trong kho tàng văn hóa dân tộc kết hợp các đường nét thêu tay trên chất liệu thổ cẩm mộc mạc, thấm đượm phong vị núi rừng.

Hoa văn đều hướng vào đời sống thực và hướng vào thiên nhiên. Giữa thiên nhiên và con người được nghệ thuật phản ánh là một sự hòa đồng, gắn bó không thể tách rời. Các mô típ hoa lá, động vật, mặt trăng, mặt trời, cây cối… được trang trí trên đồ dệt đều có thực trong cuộc sống và hữu ích cho con người.

NTK Minh Hạnh luôn coi thổ cẩm chính là “gia tài” đầy giá trị, cần được bảo tồn, nâng niu và đáng trân trọng của thời trang Việt Nam. Những năm qua, các nhà thiết kế đã cho ra đời những bộ sưu tập giao hòa tinh tế giữa nét đẹp quyến rũ Đông - Tây vừa hiện đại nhưng không kém phần truyền thống.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thêu và nhà thiết kế Việt đã góp phần mang thời trang Việt Nam chinh phục thế giới. Để rồi, lần nào mang bộ sưu tập thổ cẩm “đi đánh xứ người”, NTK Minh Hạnh cũng được người dân tại các nơi từ Châu Âu đến Châu Mỹ nhận diện ra ngay nguồn gốc “Con Lạc - Cháu Rồng”.

Đây cũng chính là ước mơ của các NTK Việt thông qua khai thác chất liệu thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm một cách độc đáo, ấn tượng để thời trang Việt dần được “định vị” trên bản đồ thời trang quốc tế.

Đọc thêm