Thời trang Việt ra sao trước “cơn bão” hàng ngoại ?

(PLO) -Một vài năm gần đây, làn sóng thời trang ngoại đổ bộ về Việt Nam ngày càng nhiều. Với hàng hiệu- giá bình dân, giới mộ điệu thời trang Việt háo hức, mê mải. Tín đồ mua sắm có nhiều sự lựa chọn hơn, điều này khiến cho ngành thời trang nội đứng ngồi không yên.
Thời trang ngoại thu hút nhiều người mộ điệu thời trang
Thời trang ngoại thu hút nhiều người mộ điệu thời trang

Phấn khích khi mua hàng hiệu giá bình dân

Mùa thu năm 2017, giới thời trang chứng kiến sự đổ bộ của “ông lớn” H&M tại Trung tâm Thương mại Vincom Đồng Khởi và Vincom Royal City tạo nên cơn sốt khi hàng nghìn người háo hức xếp hàng chờ mở cửa, đi ra với gương mặt rạng rỡ cùng hoá đơn dài dặng dặc trên tay. Không phải ngẫu nhiên, thời trang ngoại được đón chào như vậy. Ông Fredrik Famm- Giám đốc điều hành H&M Đông Nam Á cho hay, mỗi ngày cửa hàng đều có mẫu mới, mỗi tuần là có một bộ sưu tập, quần áo phủ mọi lứa tuổi và đa dạng phong cách. 

Hàng ngoại - giá nội khiến nhiều người mê mẩn. Ví như một chiếc áo phông có giá 300- 400 nghìn đồng, ngang bằng áo Trung Quốc và hàng Việt Nam xuất khẩu. Bên cạnh vấn đề giá cả thì tính độc đáo, hấp dẫn, hợp xu hướng thời trang thế giới của món hàng cũng khiến người Việt, đặc biệt là giới trẻ mê đắm dòng thời trang ngoại quốc. Các sản phẩm ấy rất thời thượng, hợp mốt, không cầu kì, đơn giản nhưng trẻ trung, hiện đại.

Zara - thương hiệu thời trang của Tây Ban Nha cũng tạo “cơn bão” trong giới thời trang Việt Nam. Con số 4-5 tỷ doanh thu chỉ trong ngày đầu mở cửa đã phá kỷ lục doanh thu trên cả 2.000 điểm bán toàn cầu tại 88 quốc gia của thương hiệu này hẳn khiến nhiều doanh nghiệp nội phải giật mình. Đây điều chưa từng xảy ra với các cửa hàng thời trang trong nước.

Ngoài H&M, Zara, tín đồ thời trang có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn với Pull & Bear, Massimo Dutti, Bershka, Stradivarius, Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara...  

Thời trang Việt có tuổi nhưng chưa có tên?

“Cơn bão” thời trang thế giới khiến các hãng thời trang, nhà thiết kế Việt…khó có thể ngồi yên. Ông Lê Viết Thanh- Tổng Giám đốc K&K Fashion chia sẻ, các hãng nước ngoài đều có tiềm lực. Họ có thể tung ra các chương trình khuyến mãi để đè bẹp và bóp chết doanh nghiệp địa phương.  Tại một số diễn đàn thời trang, nhiều hãng thời trang không khỏi lo lắng. 

Trên con phố Chùa Bộc (Hà Nội)- những năm về trước là thủ phủ các các hãng thời trang lớn trong nước. Nơi đây từng tấp nập các tín đồ thời trang tới mua sắm trang phục… made in Việt Nam. Nhưng giờ đây, các cửa hàng made in Việt Nam ấy được thay thế bằng những quần áo có xuất xứ nước ngoài. Một vài thương hiệu Việt cố cầm cự nhưng lượng khách tới xem và mua thưa thớt. 

Có thể thấy, trước thời trang quốc tế thay đổi từng ngày, từng giờ như vũ bão trong khi thời trang made in Việt Nam mẫu mã vẫn đơn điệu, không có sự đột phá. Giới mộ điệu thời trang đang có xu hướng ngày càng chịu chi cho các món đồ thời trang. Tầng lớp trung lưu cũng đang tăng và họ sẵn sàng chi tiền cho thời trang. Vậy mà một số hãng thời trang Việt ngoài mẫu mã đơn điệu, không có chiến lược khuyến mãi, không xây dựng hình ảnh liên tục nên những tín đồ thời trang lạnh nhạt với hàng nội cũng là điều dễ hiểu. Các hãng may mặc của Việt Nam còn phải đối mặt với  sức ép cạnh tranh của hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch.

Nhà tạo mẫu Minh Hạnh luôn trăn trở với ngành công nghiệp thời trang Việt Nam do thiếu sự hợp tác giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất. Hàng năm, số lượng nhà thiết kế tăng đáng kể từ nhiều cuộc thi thiết kế, nhưng chẳng có bao nhiêu nhà thiết kế được tuyển chọn vào công ty may mặc lớn bởi bộ máy quản lý cồng kềnh, không thích ứng với cách làm sản phẩm thời trang hoàn chỉnh và nhanh, thế là đành chấp nhận gia công.  Không có “đất diễn”, phần lớn nhà thiết kế tự mò mẫm xây dựng thương hiệu cá nhân với qui mô nhỏ lẻ, không tạo được tăng trưởng kinh tế từ nguồn thu ít ỏi này. Sự kết hợp rời rạc ấy khiến cho thời trang Việt Nam chưa khẳng định mình.

Đọc thêm