Triệu phú cá thác lác cườm ghép cá sặc rằn

(PLO) - Đó là anh Lê Minh Trung - đoàn viên thanh niên Chi đoàn ấp Long An B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, người đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá thác lác cườm ghép cá sặc rằn trong ao.
Cho cá ghép ăn
Cho cá ghép ăn

Hơn 3 năm qua, mỗi năm anh Trung có nguồn lợi nhuận dao động ở mức hơn 30 triệu đồng đến trên 75 triệu đồng từ nghề nuôi cá ghép này. Anh Trung chia sẻ: “Sau khi được Trạm Thủy sản huyện Tam Nông tận tình hướng dẫn kỹ thuật, vào tháng 11/2012, tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi cá thác lác cườm ghép cá sặc rằn bằng thức ăn công nghiệp. Tôi tiến hành cải tạo 2.000m2 mặt nước ao cạnh nhà, lên bờ bao, vét đáy ao và làm vệ sinh sạch sẽ bằng 40kg vôi bột rồi phơi đáy ao khoảng 1 tuần...”. 

Tiếp đó, anh Trung bơm nước vào ao trên 1,5m và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… rồi để khoảng 3 ngày cho nước trong ao có màu xanh của rong - tảo, vì đây là môi trường thích hợp để nuôi thủy sản. Sau đó, anh Trung bắt đầu cho thả 11.000 con cá thác lác cườm giống và 3kg cá sặc rằn giống vào ao ương nuôi.

Anh Lê Minh Trung cho biết, lúc đầu, anh đóng các đoạn cây tràm và bạch đàn, tre… trên một khoảng mặt nước hình chữ nhật trong ao. Mua lưới cước về may với chiều cao trên dưới 2m, chiều ngang 2m và chiều dài từ 10 - 15m, câu mắc vào các trụ cây như hình cái mùng lật ngửa rồi thả cá thác lác cườm và cá sặc rằn giống vào ương nuôi.

Từ 20 - 30 ngày đầu, anh cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp có 40 độ đạm trải đều trên mặt nước ao. Sau hơn 1 tháng ương và chăm sóc, con cá thác lác cườm và cá sặc rằn giống đã lớn, anh Trung tháo mùng lưới cước ra nuôi đại trà trong ao và tiếp tục sử dụng thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm; tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá.

Anh Trung nói: “Cứ đầu tư 1,2kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá thác lác cườm thương phẩm! Phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được tôi thực hiện kịp thời theo đúng quy trình hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ thủy sản huyện. Vả lại, nuôi cá sặc rằn ghép với cá thác lác cườm cũng có nhiều cái lợi như: cá sặc ăn rong - tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thác lác cườm; lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ…”. 

Mỗi ngày, anh Trung cho thay nước ao nuôi cá ghép một lần, chăm sóc đàn cá thác lác cườm và cá sặc rằn thật chu đáo. Mỗi tháng một lần, anh trộn bổ sung lượng Vitamin C và khoáng chất trong thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trọng nhanh.

Đến cuối tháng 7/2013, sau hơn 8 tháng nuôi, anh Trung cho tát ao thu hoạch được sản lượng gần 2.000 kg cá thác lác cườm thương phẩm, bán giá 65.000đồng/kg, thu nhập trên 130 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Lê Minh Trung còn lãi hơn 30 triệu đồng!

Anh Trung bày tỏ: “Nuôi cá thác lác cườm ghép cá sặc rằn trong ao cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại hai loại cá này rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá thơm ngon, bán được giá cao… Người nuôi chỉ cần cho đàn cá ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh cho cá đúng quy trình kỹ thuật… đàn cá nuôi ghép tăng trưởng nhanh và đồng đều và đạt lợi nhuận đáng kể. Riêng đàn cá sặc rằn, tôi không bán mà để lại nuôi vỗ béo trong 1 cái ao 1.000m2 và cho cá sinh sản…”.

Cá sặc rằn và cá thác lác cườm
Cá sặc rằn và cá thác lác cườm

Phấn khởi trước vụ nuôi cá ghép đầu cho lãi cao, mỗi năm anh Trung tiếp tục phát huy lợi thế của nghề nuôi cá ghép thác lác cườm và sặc rằn. Vào tháng 3/2015, anh Trung tiếp tục tận dụng cái ao cũ thả nuôi 25.000 con cá thác lác và 10.000 con cá sặc rằn giống. Phương pháp nuôi theo đúng quy trình hướng dẫn của Trạm Thủy sản huyện và kinh nghiệm nuôi thực tế hàng năm của gia đình.

Đến tháng 11/2015, sau hơn 8 tháng cần mẫn chăm sóc, anh Trung tát ao và thu hoạch được hơn 8.500 kg cá thác lác thương phẩm, bán giá 60.000đ/kg và 1,3 tấn cá sặc rằn, bán giá 50.000đ/kg. Tổng thu nhập được trên 575 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Lê Minh Trung còn lãi 75 triệu đồng. Anh Trung hiện đang tiếp tục đầu tư nuôi cá thác lác cườm ghép cá sặc rằn trong ao bằng thức ăn công nghiệp trong niên vụ này…

Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng. Nhiều bà con nông dân và lực lượng đoàn viên thanh niên đã tìm đến nhà anh Lê Minh Trung để học hỏi và mở rộng mô hình nuôi cá ghép bằng thức ăn công nghiệp trong ao để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và tạo việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông đánh giá: “Nuôi cá ghép trong ao của anh Trung là mô hình đột phá ở huyện Tam Nông và đã chứng minh hiệu quả qua 3 năm liền. Ngành Thủy sản sẽ nghiên cứu và đề xuất nhân rộng ra cho nhiều hộ trong huyện nuôi để xóa nghèo, sẽ tiếp cận và xây dựng quy trình kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng cho nông dân học tập, rút kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả nhiều năm. Cá thác lác cườm và cá sặc rằn dễ nuôi, dễ chăm sóc có thể phát triển kinh tế hộ được”.

Anh Lê Minh Trung luôn được đánh giá là một đoàn viên vượt khó, chí thú làm ăn, lao động sản xuất và làm kinh tế giỏi, vươn lên khá giả trong cuộc sống. Hiện anh đang có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc tại ấp Long An B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, bên người vợ công tác tại Trạm Thủy sản huyện. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Trung còn hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách nuôi cá để thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. 

Đọc thêm