FLC khởi công dự án nhà máy bao bì 400 tỉ đồng

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với thua lỗ, mất thanh khoản, thì ngay trong tháng 4, Tập đoàn FLC vẫn khởi công nhà máy bao bì carton cao cấp với tổng quy mô đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Ông Lê Đình Vinh, Phó CTHĐQT đã trao đổi với phóng viên về nỗ lực ngược dòng này của FLC.

Trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt với thua lỗ, mất thanh khoản, thì ngay trong tháng 4, Tập đoàn FLC vẫn khởi công nhà máy bao bì carton cao cấp với tổng quy mô đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Ông Lê Đình Vinh, Phó CTHĐQT đã trao đổi với phóng viên về nỗ lực ngược dòng này của FLC.

Năm 2013, hàng loạt DN bất động sản đã phải bán lại dự án vì thiếu vốn. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Khó khăn trong lĩnh vực bất động sản không phải mới xuất hiện trong năm 2012 mà đã có từ trước đó, năm 2010 – 2011. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động phụ thuộc vào vốn vay. Với các DN bất động sản, đòn bẩy tài chính càng được sử dụng nhiều.

Vì thế, khi lãi suất tăng cao, tín dụng ngân hàng cho các lĩnh vực bất động sản thắt chặt, giá bất động sản giảm, người dân không sẵn sàng đầu tư vào các dự án mới thì khó khăn chồng chất lên các DN bất động sản là điều chắc chắn. Và như vậy, khi thanh khoản bị đầy vào cùng cực, các DN sẽ phải chấp nhận bán tháo dự án để trả nợ.

Nhìn từ góc độ người sở hữu dự án, đây là một rủi ro lớn. Nhưng trên bình diện xã hội, điều này không hẳn là tiêu cực. Khi các DN bán tháo dự án bất động sản, mặt bằng giá tài sản sẽ thấp hơn. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh thu, gom tài sản và tiếp tục triển khai các dự án theo hướng có hiệu quả hơn. Về phía người dân, giá bất động sản giảm cũng là cơ hội để họ có thể sở hữu bất động sản với chi phí thấp hơn.

Về phía FLC, Tập đoàn sẽ ứng xử thế nào trước diễn biến này?

Một trong những mảng hoạt động trọng tâm của Tập đoàn là bất động sản. Với việc dự báo chính xác các xu hướng thị trường, chúng tôi đã kịp thời đẩy nhanh tiến độ và bán sản phẩm của dự án FLC Landmark Tower từ giai đoạn thị trường đang đỉnh cao và không bị đọng vốn lớn vào các dự án dang dở.

Ông Lê Đình Vinh
Ông Lê Đình Vinh Phó CTHĐQT Tập đoàn FLC

Tình trạng tài chính của Tập đoàn cũng lành mạnh, khi chúng tôi chỉ vay nợ hơn 100 tỷ đồng trên toàn hệ thống ngân hàng, trong khi tổng quy mô tài sản gần 3000 tỷ. Điều này cũng có nghĩa là, ngoài năng lực tài chính tự có, FLC có cơ hội để tiếp cận vốn vay ngân hàng, mua lại các dự án giá rẻ mà các đơn vị khác bán đi.

Để chủ động nguồn vốn thực hiện chủ trương này, ngay trong năm nay, Tập đoàn sẽ thực hiện chào bán cổ phiểu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 nhằm tăng vốn lên gấp đôi so với mức hiện nay.

Nhưng giá cổ phiếu FLC hiện dưới mệnh giá thì liệu đợt phát hành có thành công? FLC sẽ xin chào bán dưới mệnh giá hay chờ may rủi của thị trường?

Trên TTCK Việt Nam hiện nay, giá cổ phiếu đang không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Với số vốn điều lệ, tổng tài sản, tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục tăng trưởng,… thì giá cổ phiếu của FLC trong điều kiện thị trường bình thường sẽ cao hơn nhiều.

Chính vì lý do đó, chúng tôi sẽ chào bán cố phiếu với giá bằng mệnh giá. Và khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, chúng tôi tin chắc phương án này sẽ thành công. Tất nhiên, đảm bảo thành công hơn, Ban lãnh đạo FLC sẽ phải lựa chọn thời điểm thích hợp. Đồng thời, chúng tôi cũng phải lên kế hoạch dự phòng.

Hiện nay, Ban lãnh đạo đã đàm phán với đối tác chiến lược của Singapore. Nếu đợt phát hành không thành công, đối tác sẽ thực hiện mua vào một phần cổ phần bị từ chối mua. Nếu đợt phát hành thành công, FLC sẽ liên tục chào bán riêng lẻ. Trong cả hai trường hợp, mức giá bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn 15.000đồng/CP.

Mục đích của đợt phát hành này là gì, thưa ông?

Đợt phát hành tăng vốn điều lệ này sẽ phục vụ mục tiêu đầu tư cho dự án Khu sân golf – vui chơi cao cấp Hồ Cẩm Quỳ, mua lại các dự ạn đất sạch Công ty đang đàm phán để xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư, xây dựng trường Cao đẳng nghề FLC theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt trong năm nay, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất bao bì carton với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng nhằm cung cấp các sản phẩm bao bì chất lượng tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho các Tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, đồ gia dụng trong nước và xuất khẩu.

Đây là những mảng hoạt động dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho Tập đoàn khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, chúng tôi rất cần bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động thương mại như nhập khẩu và phân phối sắt thép, vật liệu xây dựng,… mảng hoạt động dự kiến sẽ đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng trong năm  2013.

Xin ông chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2013 của FLC?

Kinh tế vĩ mô năm 2013 được dự báo là tiếp tục khó khăn. Đối với mảng bất động sản cũng vậy, vì thế, chủ trương của FLC trong năm 2013 là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ để tạo nguồn thu ổn định cho toàn Tập đoàn. Ngoài các dịch vụ truyền thống, năm nay FLC sẽ có doanh thu từ khai thác mỏ và đào tạo nghề. Vì vậy, doanh thu dự kiến sẽ tăng trưởng tối thiểu 10 – 15% so với năm 2012.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Anh ( Thực hiện)

Đọc thêm