QTV - Thỏa thuận về một bộ chỉ số cho phép đo đếm tình trạng cân bằng của kinh tế toàn cầu đã được các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 thống nhất đưa ra sau 2 ngày làm việc tại Paris.
Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên 2 thành tố chính là mức cân bằng cán thanh toán cân vãng lai và cân bằng cán cân thương mại của các nền kinh tế. Thể theo yêu cầu của Trung Quốc các khoản lãi đến từ dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ không được đưa vào bộ chỉ số nêu trên. Đây được xem là một nhượng bộ quan trọng của lãnh đạo G20 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
|
Thỏa thuận lần này ghi nhận một sự nhượng bộ lớn của G20 đối với Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Ngoài 2 thành tố nêu trên, bộ chỉ báo sẽ bao gồm một số thước đo khác như tỷ lệ nợ công, thâm hụt ngân sách, nợ tại khu vực tư nhân cũng như tỷ lệ tiết kiệm trong dân… Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Christine Lagarde cho rằng việc xây dựng được bộ chỉ số nói trên là một thành công lớn của G20 lần này khi các bên đã tìm được một giải pháp mang tính dung hòa vì lợi ích chung.
“Không khí hội nghị hết sức thẳng thắn, thậm chí là căng thẳng. Tuy nhiên, kết quả đạt được lại rất dung hòa, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên”, Bộ trưởng Tài chính Pháp khẳng định. Cũng theo bà Lagarde, một thỏa thuận như vậy là cần thiết vào thời điểm này để tránh cho thế giới khỏi nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng tiếp theo.
“Bộ chỉ số này không phải là một khuôn khổ mang tính ràng buộc nhưng nó mở đường cho những giải pháp tiếp theo để đi đến sự hợp tác toàn diện về kinh tế giữa các quốc gia” đại diện nước chủ nhà nhận định.
Tuy nhiên, theo hãng tin BBC, vấn đề đặt ra sau khi G20 xây dựng được bộ chỉ số này nằm ở việc họ sẽ sử dụng nó như thế nào để đo đếm tình trạng mất cân bằng của các nền kinh tế, từ đó đưa ra được những giải pháp chung.
“Câu hỏi lớn là các quốc gia G20 sẽ ứng phó như thế nào khi bộ chỉ số cho thấy sức khỏe kinh tế của họ đang bất ổn. Đạt được thỏa thuận nói trên đã khó, đi những bước tiếp theo thậm chí sẽ còn khó hơn”, bình luận viên kinh tế nổi tiếng Andrew Walker nhận định.
Theo VnExpress