Gã mồ côi bị rượu "sai khiến" giết người mình trọng như cha

Chỉ vì một phút thiếu kiềm chế khi trong người có hơi men, Phạm Thanh Tâm đã ra tay chém chết người mà Tâm trọng như cha. Vụ án gây chấn động vùng quê nghèo ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) vừa được TAND tỉnh Bình Định đưa ra xét xử một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác hại to lớn mà rượu gây ra. 

Chỉ vì một phút thiếu kiềm chế khi trong người có hơi men, Phạm Thanh Tâm đã ra tay chém chết người mà Tâm trọng như cha. Vụ án gây chấn động vùng quê nghèo ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) vừa được TAND tỉnh Bình Định đưa ra xét xử một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tác hại to lớn mà rượu gây ra. 

Bị cáo Tâm tại tòa.
Bữa nhậu định mệnh
Sáng 6/6/2012, Phạm Thanh Tâm (SN 1982, trú thôn 4, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) cùng ông Trần Minh Triên (SN 1964, trú thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) và Ngô Đức Thử, Phan Thế Bảo tổ chức ăn nhậu tại nhà Tâm. Vừa rai lai rượu, 4 người vừa tổ chức đánh bài, nếu ai thua thì mua bia về uống tiếp.
Khoảng 11h30 cùng ngày, 4 người chuyển qua hình thức đánh bài ăn thua bằng tiền và trong lúc đánh bài vẫn tiếp tục uống rượu, bia. Đến khoảng 20h cùng ngày, sau khi uống hết hơn 1 lít rượu và trên 20 lon bia, ông Triên với Thử và Bảo xảy ra cãi vã nên cả nhóm không đánh bài nữa.
Tâm cho rằng ông Triên lớn tuổi mà chơi bài gian lận nên to tiếng chửi bới, xúc phạm rồi bỏ đi ra đứng trước nhà. Ra khỏi nhà rồi Tâm vẫn còn nghe ông Triên và Bảo có lời qua tiếng lại nên bực tức, nảy sinh ý định chém ông Triên.
Tâm lặng lẽ đi vòng ra phía sau bếp, lấy một cái rựa có cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại rồi vòng theo cửa sau đi vào nhà. Thấy ông Triên đang đứng lom khom, Tâm đến phía sau lưng, kề lưỡi rựa vào cổ rồi hỏi: “Ông tin tui chặt ông không?” Nghe ông Triên thách “mày chặt đi”, Tâm liền vung rựa chém khiến ông này tử vong trên đường đi cấp cứu.
Phiên tòa đẫm nước mắt
TAND tỉnh Bình Định mới mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Phạm Thanh Tâm về tội “giết người” theo quy định tại khoản 1, Điều 93 BLHS. Những người có mặt chứng kiến phiên tòa không khỏi chạnh lòng khi nghe Hội đồng xét xử (HĐXX) điểm qua đặc điểm nhân thân của bị cáo.  
Nỗi đau của gia đình bị cáo
Học hết lớp 2, Tâm nghỉ học ở nhà phụ giúp cha, mẹ làm nông. Mới 11 tuổi, Tâm đã chịu cảnh mồ côi mẹ; khi bước sang tuổi 15, bị cáo tiếp tục hứng chịu nổi đau mất cha. Cha mẹ lần lượt qua đời, bỏ lại Tâm một mình sống côi cút ở vùng quê nghèo với tài sản là ngôi nhà cấp 4 và mảnh vườn mà tới lúc ra đứng trước vành móng ngựa, bị cáo vẫn không biết diện tích là bao nhiêu.
Vợ bị hại cho biết: “Cách đây gần 10 năm, chính chồng tui là người đã thuê mảnh vườn của Tâm để trồng trọt. Thấy hoàn cảnh đáng thương của Tâm, ổng (bị hại Triên - PV) đã giúp đỡ rất nhiều, thậm chí còn xem Tâm như con nuôi. Chồng tui thường xuyên ở lại nhà của Tâm để cùng ăn, cùng ngủ, cùng đỡ đần nhau những lúc khó khăn. Vậy mà...”. 
Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Bị cáo và bị hại không hề có mâu thuẫn và xem nhau như cha con nuôi, tại sao bị cáo lại ra tay giết chết bị hại?” Tâm trả lời: “Bị cáo cũng không biết nữa. Do lúc đó bị cáo đã uống rượu nên không thể suy nghĩ được điều gì. Thấy bị hại cứ to tiếng cãi nhau nên bị cáo nghĩ lấy rựa chém cho bõ tức”.
Khi HĐXX đề cập đến khoản bồi thường cho bị hại, Tâm lý nhí cho biết: “Bị cáo có lỗi thì phải chịu, nhưng giờ bị cáo chẳng có tài sản nào ngoài ngôi nhà cấp 4 và mảnh vườn. Bị cáo sẽ bán nhà, bán đất để bồi thường cho gia đình chú Triên được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.
Nói đến đây, bị cáo bỗng quay về phía gia đình bị hại, vòng tay, cúi đầu xin tha thứ cho lỗi lầm mà mình đã gây ra. Còn vợ bị hại vừa khóc vừa nói: “Có cái gì ngon ổng cũng nhường cho mày, sao mày lại ra tay giết ổng?”. 
Nhiều người có mặt tại tòa vừa thương, vừa giận khi chứng kiến lời nói và hành động của bị cáo. Họ thương vì Tâm chân chất, thật thà; giận vì bị cáo đã để “ma men” biến thành “nô lệ”, trở thành kẻ giết người.
Khi được nói lời cuối cùng, bị cáo Tâm thành khẩn: “Bị cáo vô cùng ăn năn, hối hận vì đã giết chú Triên. Bị cáo xin nhận mọi hình phạt để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra”. Sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt Phạm Thanh Tâm mức án tù chung thân.
Thời gian gần đây, tại Bình Định nói riêng và cả nước nói chung có rất nhiều vụ án mạng mà tác nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội xuất phát từ rượu. Vụ án trên là một hồi chuông cảnh báo cho những tác hại to lớn mà rượu gây ra. Đừng bao giờ để “ma men” sai khiến để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, để rồi khi sự việc đau lòng xảy ra, nhắc đến 2 tiếng “giá như” thì mọi chuyện đã quá muộn…
C.VĂN  

Đọc thêm