Gã trai Hà thành bị Tây Tạng hớp hồn

(PLO) -  Ở hắn có một sức mạnh nội sinh và một tình yêu khó diễn đạt thành lời là tình yêu dành cho Tây Tạng, cho dãy Himalaya, nơi mà Duy thuộc về như lời mà hắn nói…. 

Tôi gặp Nguyễn Mạnh Duy kể ra cũng đã chừng 10 năm có lẻ ở một quán cà phê vỉa hè phố Nguyễn Du. Khi đó Hà Nội đang vào mùa se sẽ lạnh. Duy mới tốt nghiệp trường Báo, đang đầu quân cho tờ Người lao động. Rồi công việc cuốn đi, cũng ít khi liên lạc, đến khi ngồi viết về Duy thì mới biết mình sai trong cảm nhận ban đầu về gã trai đặc biệt này.

Gác bút nghiên theo tuyết ngàn Tây Tạng

Duy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Học xong cấp 3 ở trường Marie Curie Hà Nội, Duy thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền, nhưng rồi thì đã có một ngã rẽ. Duy dừng làm báo ở năm thứ 10, khi bắt đầu có những gắn bó và trải nghiệm viết lách. Chính bố mẹ Duy định hướng cho Duy theo nghề báo, vả lại chính Duy cũng yêu và gắn bó với nghề. Vậy nên khi Duy thông báo “tạm gác bút nghiên” trong độ sung mãn và độ chín của nghề cũng làm nhiều người sốc.

Tuy nhiên, như Duy nói: “Trong quá trình khám phá về bản thân mình, em tự thấy mình là một người có năng lượng rất mạnh và thích làm những điều bất bình thường. Chỉ đơn giản là thử thách bản thân và trải nghiệm cho chính mình chứ không phải để chứng tỏ với ai. Có lẽ em cũng là người sống bản năng nên được nhiều và mất cũng nhiều, cả quan hệ bạn bè và những điều khác. Chẳng hạn quyết định tạm dừng nghề báo là một quyết định bản năng, không suy nghĩ quá nhiều…”.

Lý giải cơ duyên đến với Tây Tạng, Duy nói rằng, nghề báo đưa Duy đến nhiều nơi của dải đất chữ S nhưng dù đi nhiều nhưng Duy chưa tìm thấy một nơi thực sự làm cho mình cảm thấy mình thuộc về. Duy tâm sự: “Tây Tạng ban đầu với em đơn thuần là một điểm đến để thỏa mãn một thôi thúc làm mới bản thân. Chuyến đi Tây Tạng đầu tiên cách đây 3 năm, không mang theo nhiều hành trang nhưng vùng đất ấy lại trang bị cho em những điều thực sự khiến cuộc sống của em thay đổi, thay đổi về nhân sinh quan.

Em thực sự bị giật mình khi đến với vùng đất này, kiểu như nơi này đã là nơi mình từng sống ở một kiếp sống nào đó và đây đơn thuần chỉ là một chuyến trở về, trở về để tìm lại đời sống mình đã từng sống. Có thể nói chuyến đi Tây Tạng và Nepal cuối năm 2013 đến với em đúng lúc, đúng lúc ở chỗ những khát khao thay đổi, khát khao bứt phá trong em đang cựa quậy mãnh liệt. Chỉ cần một chất xúc tác là mọi thứ sẽ bùng nổ…”

Những chuyến đi của Nguyễn Mạnh Duy tới Tây Tạng 

Cảm thấy mình được... Tây Tạng chọn

Trong hành trình đến với vùng đất kỳ vỹ đầy trầm tích văn hóa này, Duy có một cảm giác rõ ràng rằng mình được vùng đất này lựa chọn. Tây Tạng và cả dải đất Himalaya dần hiện lên trong Duy không chỉ là một đam mê đơn thuần đi và đến để thỏa mãn cá nhân nữa. Vậy nên Duy muốn làm một điều gì đó ngay tại Việt Nam với câu chuyện kể về nền văn hóa Phật giáo Tạng truyền. 

Duy luôn hào hứng khi kể cho tôi nghe về miền đất này và khát khao mang Tây Tạng đến gần hơn với Việt Nam. “Himalaya đã mở ra cho em một cánh cửa để bước vào một cuộc trải nghiệm lý thú. Em bắt đầu nhìn thấy cơ hội cho sự ra đời của một không gian mang đậm bản sắc Tây Tạng và Himalaya ở Việt Nam...”, Duy bảo. 

Trên con đường tìm về Tây Tạng ấy, Duy đã nếm trải không ít những chông gai. Từ lần đầu tiên cho đến giờ Duy đã trở lại Tây Tạng, Nepal, Bắc Ấn Độ tới gần 20 lần. Trung bình 3 tháng là Duy lại đi. Ngoại trừ chuyến đi đầu tiên đến với Tây Tạng là để du lịch, những chuyến đi sau này đều là một hành trình “tìm về”. Duy giải thích thêm: “Với nhiều người, con đường đến với Phật giáo Tây Tạng là con đường tìm thấy bản thể, chuyện tiếp tục nối dài hành trình sống của những đời sống tiền kiếp là điều người ta sẽ tin và được củng cố niềm tin ghê gớm khi đến với đất Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng. Rất khó để nói cá nhân em mê mẩn Tây Tạng bởi điều gì, nó là một hành trình của thân, tâm và nghiệp. Sự chiêm nghiệm và trải nghiệm khi đến với Tây Tạng là quá lớn…”.

Trong hành trình “tìm về” ấy, có những lần Duy suýt “nằm lại” Himalaya. Duy kể: “Himalaya trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “nơi trú ngụ của tuyết”, nơi ấy có nhiều bí ẩn về sự sống và cái chết. Thực ra sẽ rất nhiều người tự hỏi tại sao những người leo núi lại sẵn sàng chết để một lần chinh phục được Everest, hay rất nhiều người sẵn sàng buông bỏ tất cả khi Phật giáo Tây Tạng chỉ ra cho họ một con đường để tìm thấy sự an lạc. Em từng đi bộ trekking đến Everest Base Camp, từng tự lái xe motor để đi vòng quanh dải Himalaya ở Bắc Ấn. Khi dấn thân vào những hành trình này ngoài cái lạnh, say độ cao còn rất nhiều nguy hiểm khác nữa rình rập…”. 

Vỹ thanh

Và rồi từ những chuyến đi, Himalayas Vietnam ra đời vào tháng 11 năm 2014 là một cuộc thể nghiệm, là một cột mốc, bước ngoặt thực sự trong cuộc đời Nguyễn Mạnh Duy. Đến nay Himlayas Vietnam đã trở thành một không gian của nhiều bạn trẻ gửi gắm tình yêu Tây Tạng nói riêng và Himalaya nói chung. Đây cũng là nơi những người thực hành truyền thống Phật giáo Tây Tạng có thể tìm thấy những vật phẩm phục vụ cho hành trình tâm linh của mình. Himalayas Vietnam sau khi có mặt ở Hà Nội đã tiếp tục có thêm những không gian ở Hải Phòng và TP.HCM.  Đây thực sự là “ngôi nhà Tây Tạng” ở Việt Nam. 

Cứ bị cuốn vào câu chuyện của Duy, tôi không biết phải kết thúc bài viết khi nào, bởi nó ngồn ngộn những niềm đam mê, ngồn ngộn những trải nghiệm khởi nghiệp của một người trẻ đam mê Tây Tạng. Và chỉ tôi chỉ ước, dù chỉ một lần đến Hymalaya, đến Tây Tạng để thấy mình bé nhỏ thế nào giữa vụ trụ mênh mông này…/. 

Đọc thêm