Games - con dao hai lưỡi

Tuần này, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng đã khẳng định tình trạng chơi games, trong đó có games online (trò chơi trực tuyến) đã bùng nổ trong thanh-thiếu niên.

Tuần này, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng đã khẳng định tình trạng chơi games, trong đó có games online (trò chơi trực tuyến) đã bùng nổ trong thanh-thiếu niên.

Internet mang lại rất nhiều lợi ích. Tiện ích và xu thế sử dụng rộng rãi Internet trên thế giới khiến chúng ta ngày càng phải khuyến khích sử dụng mạng thông tin toàn cầu này hơn nữa trong quá trình hội nhập, trong đó có việc mở mang kinh doanh dịch vụ Internet. Hệ thống các cửa hàng, các điểm kinh doanh Internet len tới tận các ngõ ngách từ thành phố đến nông thôn.

Ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng hiện nay đang có hàng nghìn địa điểm chuyên kinh doanh Internet, chưa kể hàng loạt các điểm dịch vụ Internet ở khách sạn, nhà nghỉ... Những tụ điểm này hằng ngày thu hút các thanh niên, thiếu niên, nhiều khi cả nhi đồng tới chơi games, một thứ trò chơi tin học được cài sẵn trên máy hoặc trên Internet. Lệ phí thuê chỗ thường khá rẻ, 3.000 đồng/giờ nhưng mấy khi người chơi dừng lại ở một, hai giờ nên khi ra khỏi cửa hàng, phải rút túi trả từ vài chục đến cả triệu đồng là thường.

Sự nguy hiểm của ham mê games không chỉ dừng lại ở đó. Games tạo cho người chơi ảo giác được thâm nhập vào một thế giới ảo như thật. Người chơi games sau mỗi chiến thắng có thể tích lũy được công lực, uy tín và kể cả tài sản trong thế giới ảo ấy. Những tài sản này có thể được trao đổi cho nhau hoặc mua bán bằng tiền thật. Người chơi games say sưa lao vào những trò chơi này (60% là kích thích bạo lực, 20% là kích dục, chỉ 14% là nâng cao kiến thức, rèn luyện trí tuệ, thân thể) thành nghiện.
 
Người nghiện games có thể chơi suốt đêm ngày cho đến khi kiệt sức, mắc bệnh tâm thần hoặc buộc phải rời chỗ. Khi rời khỏi màn hình máy tính, những hình ảnh trong thế giới ảo vẫn đeo bám, tạo ảo giác lẫn lộn giữa hiện thực và thế giới không thực, kích động con nghiện thực hiện các hành vi truy đuổi, ẩu đả, giết người hoặc hủy hoại thân thể, tự tử. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tự tử có nguồn gốc từ nghiện games đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, dấy lên một làn sóng lo lắng và phẫn nộ trong phụ huynh và cả xã hội.

Nghiện games đã gây ra nhiều vụ án thương tâm. Không ít vụ giết người được báo chí thông tin là nhằm cướp tài sản để có tiền chơi games. Chúng ta cũng được thông tin về các vụ kiệt sức phải vào bệnh viện, sức khỏe suy sụp, chểnh mảng, bỏ học, bỏ nhà đi hoang, ăn cắp, nghiện hút, mại dâm vì chơi games. Rõ ràng, bên cạnh những mặt tích cực, dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh games đang nở rộ hiện nay đã mang đến những hiểm họa khôn lường cho giới trẻ và cho cả đời sống của mọi người.

Games không phải chỉ là trò chơi trí tuệ, lành mạnh, vô hại có thể giữ chân con trẻ không sa vào những ý thích nguy hiểm khác. Games và cả Internet cũng tiềm ẩn trong nó những hiểm họa, nhất là trong kỳ nghỉ hè này. Chính quyền các cấp cần quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh games và Internet; các đoàn thể cùng nhà trường, cha mẹ học sinh và xã hội cần giáo dục, quản lý lớp trẻ để ngăn chặn những mặt tiêu cực của thứ trò chơi “con dao hai lưỡi” này.

DUY VŨ

Đọc thêm