Gần 1/3 trẻ em Anh Quốc từng định tự tử

Gần 1/3 trẻ em ở Anh đã từng có ý định hoặc thậm chí đã tìm cách để tự tử do những áp lực trong cuộc sống. Trong khi đó, 75% người trẻ có vấn đề về tâm thần không được điều trị.

Theo một nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới người trẻ ở Anh vừa được công bố, cứ 5 người trẻ ở nước này thì có một người đã từng bị trầm cảm khi còn nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm có áp lực từ bài vở ở trường, những lo ngại về tương lai và cả sự thiếu tự tin.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những vấn đề này không được phát hiện và giải tỏa kịp thời đã khiến cho họ nảy sinh tâm lý chán chường và muốn chấm dứt những khó khăn của mình bằng cách tìm đến cái chết.

Theo kết quả vừa được công bố, có đến 32% người trẻ ở Anh từ có ý định tự tử, trong khi một tỉ lệ tương đương (29%) người lớn cho biết đã cố tình gây tổn hại đến sức khỏe của bản thân khi còn ở tuổi niên thiếu.

Bên cạnh đó, 12% người được hỏi cho biết ngày nào họ cũng cảm thấy chán chường, mệt mỏi khi dưới 16 tuổi. Các kết luận này được đưa ra trong báo cáo có tên gọi Đơn độc trong từng suy nghĩ, tổng hợp dựa trên kết quả khảo sát đối với hơn 2.000 người trong độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi ở Anh.

Theo báo cáo, những vấn đề mà trẻ em ở Anh dễ gặp phải nhất là tình trạng lo lắng, tự ti về ngoại hình, khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc với thế giới bên ngoài, bị người khác bắt nạt, bị lạm dụng tình dục... Những vấn đề này không được phát hiện sẽ phát triển thành bệnh tâm thần.

“Chúng ta đang có nguy cơ đánh mất một thế hệ người trẻ. Việc thay đổi cách thức giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người trẻ là cần thiết” – báo cáo viết. Những người làm nghiên cứu cũng khuyến nghị đưa các bài giảng về sức khỏe tâm thần vào chương trình giáo dục quốc gia.

Đồng thời mở các chương trình tư vấn về tâm lý tại các trường học cũng như chú ý đến việc can thiệp sớm đối với những trường hợp phát hiện có biểu hiện các bệnh về tâm lý ở trẻ.

Cũng theo báo cáo vừa công bố, trong số 850.000 người có các triệu chứng mắc bệnh về tâm thần, có đến 75% không được điều trị. Bên cạnh đó, những người còn lại không được điều trị theo một phác đồ dài hạn, đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn.

Rất nhiều trẻ em có biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần bị bỏ mặc. “Việc có quá nhiều người trẻ tự tìm cách làm hại mình để giải quyết những rắc rối của bản thân hoặc thậm chí là nghĩ đến việc tự tử là điều khó có thể chấp nhận được” – bà Emma-Jane Cross – người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành tổ chức từ thiện MindFull nói.

Trong khi đó, giáo sư về tâm lý học Tanya Byron nói rằng sức khỏe tâm thần cũng quan trọng tương tự như sức khỏe thể chất. Bà Byron cũng bày tỏ ý tưởng lập các trang web tư vấn trực tuyến, giúp đỡ trẻ em tự giải quyết các khó khăn mà họ gặp phải.

 “Thanh thiếu niên thường có xu hướng tìm kiếm thông tin trên internet, do đó, đây chính là nơi chúng ta có thể giúp đỡ hàng trăm nhìn người trẻ khi họ gặp khó khăn” – bà Byron nói.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm