Việc gắn biển số nhà tại các đô thị trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn thành từ năm 2005, nhưng gắn biển số nhà tại các đô thị mới, biển ngõ, ngách tại hầu hết quận, huyện vẫn chậm chạp, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Số nhà có cũng như không
Tại Hải Phòng việc triển khai đánh lại biển số nhà được thực hiện từ năm 1998. Theo quy định, toàn bộ chi phí cho việc mua biển và gắn biển các hộ dân đóng góp. Đến năm 2005, công tác trên cơ bản hoàn thành, một số số nhà mới phát sinh vẫn được bổ sung hàng năm. Vướng mắc và tù mù nhất là tại các khu đô thị mới.
Chị Phạm Thị Loan, ở khu dân cư Kiều Sơn, phường Đằng Lâm (quận Hải An) cho biết, gia đình chị ở đây hơn 5 năm, nhà chị cũng có biển số nhà, nhưng để chỉ đường cho người thân, bạn bè đến nhà đều phải gắn với một vị trí hoặc một đặc điểm nào đó dễ nhận biết. Chẳng hạn, để chỉ đến nhà mình, chị phải chỉ cho mọi người đến đường 193 Văn Cao, rồi đến quả núi giả, rẽ vào khu tam giác có 3 cây tùng, hoặc đến khu nhà của ca sĩ Duy Mạnh, hoặc khu dự án Kiều Sơn/đường 193 để phân biệt với khu dân cư Kiều Sơn (cũ) gần chùa Kiều Sơn. Chị Loan phàn nàn, mặc dù có biển số trước nhà, nhưng các biển này chỉ phản ánh số lô, thửa đất chẳng hạn nhà 28 A, 28B, 28C... trong đó A, B, C mới là vị trí nhà, còn số 28 chỉ chung cho cả lô đất. Mặc dù khu đô thị mới nằm trên đường Văn Cao này hình thành gần 10 năm nay
Khu đô thị mới Lê Hồng Phong chưa có tên phố, số ngõ, số nhà. Ảnh: Trường Giang |
Đây cũng là tình trạng chung cho các đô thị mới trên địa bàn thành phố hiện nay. Tại đây các số nhà đều gắn với số thửa, số lô đất mà chưa có tên đường, phố. Cũng từ đây phát sinh các rắc rối, thậm chí khó khăn trong sinh hoạt của người dân như gửi thư, cấp cứu, thậm chí hỏa hoạn...
Một cán bộ của Sở Xây dựng cho rằng, khó khăn trong việc gắn biển số nhà tại các đô thị mới là không có tên đường phố, HĐND hằng năm chỉ thông qua vài chục tên đường, phố chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh. Đáng chú ý, cả quận Dương Kinh chỉ duy nhất có tuyến đường Phạm Văn Đồng được đặt tên. Vì vậy, tại các khu đô thị mới, các nhà đều có biển nhưng không có tên đường phố đi kèm, việc tìm nhà tại đây rất khó khăn.
Biển ngõ, ngách chưa biết bao giờ xong
Ách tắc nhất là biển ngõ, mà chủ yếu do nguồn kinh phí dành cho việc này trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Đến thời điểm này có một số quận như Ngô Quyền tự ứng trước kinh phí để gắn biển ngõ toàn quận; các quận, huyện còn lại chỉ mới có một số phường gắn biển ngõ. Theo Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Lê Chân, tổng vốn cho đầu tư biển ngõ khoảng 1,2 tỷ đồng, do Sở Xây dựng thực hiện, tuy vậy hiện quận mới có 8 phường có biển ngõ, 7 phường chưa có. Vì vậy, tại nhiều phiên họp HĐND thành phố, ý kiến chất vấn của cử tri cho rằng việc nhiều ngõ, ngách không có biển số gây khó khăn và bất tiện trong giao dịch, dân sự.
Theo đại diện Sở Xây dựng, tổng dự toán công trình sản xuất, lắp đặt biển ngõ, ngách phê duyệt tại thời điểm tháng 9-2008 hơn 4,1 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng, cùng Sở Tài chính họp với UBND các quận triển khai, thống nhất trước hết mỗi quận tập trung dứt điểm một số phường (khoảng 30-50% số phường mỗi quận). Trong năm 2009, Sở Xây dựng triển khai cho sản xuất và lắp dựng trên một số phường thuộc quận Lê Chân.
Tiếp đó, ngày 21-12-2009, Sở Xây dựng có công văn đề nghị bố trí hơn 4,2 tỷ đồng từ tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61 của Chính phủ để tiếp tục thực hiện việc sản xuất, lắp đặt biển số các ngõ, ngách năm 2010. Nhưng tại công văn ngày 2-2-2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiền bán nhà thu được từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước phải nộp vào ngân sách Nhà nước để duy trì và phát triển quỹ nhà ở theo các dự án và kế hoạch do chủ tịch UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua. Vì vậy, tiền thu được từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước không được sử dụng chi cho việc sản xuất, lắp đặt biển số các ngõ, ngách. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cùng các ngành đề xuất UBND thành phố giao Sở Xây dựng lập dự án đầu tư sản xuất, lắp đặt biển số ngõ, ngách trên địa bàn thành phố theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình để thành phố xem xét bố trí nguồn vốn phù hợp.
Vì vậy, đại diện Sở Xây dựng cho rằng việc bố trí vốn trong năm nay để sản xuất, lắp đặt biển số ngõ ngách là khó khăn, vì còn phải lập dự án đầu tư.
Trở lại việc lắp biển số ngõ tại một số tuyến đường hiện nay. Chỉ riêng trên địa bàn quận Lê Chân cũng có nhiều cách dựng, chẳng hạn tuyến đường Tô Hiệu, Mê Linh biển ngõ được lắp dựng trước ngõ; tuyến đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh biển được lắp đặt vào cột sát đường, biển vuông góc với trục đường và chìa ra đường; đường Cát Cụt (đoạn từ ngã tư Cát Cụt-Hai Bà Trưng đến ngã ba Cát Cụt-Nguyễn Đức Cảnh là đường hai chiều, nhưng biển gắn vào cột theo một chiều). Nhiều người dân được hỏi ý kiến đều cho rằng, biển đặt trước ngõ là phù hợp hơn cả, vì biển ngõ hiện chỉ có một mặt, nếu đặt như cách hiện nay ở một số tuyến đường của quận Lê Chân chỉ phù hợp với đường một chiều. Những ý kiến trên cần được cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu để tạo sự đồng bộ, nhưng cũng phù hợp với yêu cầu giao thông hiện nay.
Thủy An