Gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại để hộ nghèo thoát nghèo bền vững

(PLO) - Đó là chỉ đạo của ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – trong Hội thảo khoa học Quốc gia “Ngân hàng Chính sách xã hội: 15 năm một chặng đường” vừa diễn ra ngày 22/9/2017 tại Hà Nội.
Trong gần 15 năm qua, đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và các và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH
Trong gần 15 năm qua, đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và các và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH

Hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), sáng 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia "Ngân hàng Chính sách xã hội: 15 năm một chặng đường".

Trên 30 triệu lượt hộ được vay vốn từ NHCSXH, 4,5 triệu hộ thoát nghèo

NHCSXH được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Mục tiêu hoạt động của ngân hàng nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán.

Tính đến hết ngày 31/8/2017, trong gần 15 năm qua, đã có trên 30 triệu lượt hộ nghèo và các và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn này, đã thu hút, tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động được tạo việc làm, trong đó có hơn 111 nghìn lao động thuộc hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 3,5 triệu học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long, gần 520 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 11 nghìn căn nhà phòng tránh bão, lụt. Tổng dư nợ của NHCSXH đạt 167.047 tỷ đồng, gấp 23 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH là 0,43%/tổng dư nợ.

“Trải qua 15 năm xây dựng - phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH, cho biết. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam.

Đánh giá hiệu quả các chương trình, tránh cho vay dàn trải

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – nhận định, với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả của NHCSXH, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn cốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH cũng còn một số vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, thảo luận để tìm những giải pháp hỗ trợ, đổi mới. Ví dụ, nguồn vốn cho vay còn thiếu so với nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, hiệu quả tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương, còn thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH và các hoạt động khuyến nông – khuyến lâm...

“Kể từ khi trở thành nước có thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại, đồng nghĩa với việc thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả. Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đã chậm dần, công tác giảm nghèo ngày sẽ trở nên ngày một tốn kém hơn, đòi hỏi phải có nguồn lực dồi dào hơn cho công tác giảm nghèo. Ngoài ra, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, giảm nghèo không chỉ là lo cho người nghèo về thu nhập mà còn phải tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ tối thiểu, nâng cao mức sống toàn diện cho người dân. Những vấn đề trên đặt ra nhiều thách thức cho NHCSXH trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngân hàng là phát triển ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo” – ông Đào Minh Tú nói.

Theo ông Tú, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải thực hiện được một số nhiệm vụ trong thời gian tới, như củng cố và hoàn thiện thêm một bước phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách và mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách hiện nay để có định hướng thực hiện trong thời gian tới theo hướng kết thúc những chương trình đạt hiệu qủa thấp và tập trung cho vay các chương trình đạt hiệu quả cao, có nhiều đối tượng thụ hưởng, tránh cho vay dàn trải trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và chuẩn nghèo ngày càng toàn diện.

“Cần gắn kết tín dụng chính sách với tín dụng thương mại nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khi hết thời gian vay vốn ưu đãi để tiếp cận ngay với nguồn vốn tín dụng thương mại. Như thế mới giúp họ ổn định làm ăn và thoát nghèo bền vững” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Đọc thêm