Gặp người có "thần kinh thép" điều khiểu siêu xe

Năm 1997, ThrustSSC trở thành chiếc xe đầu tiên phá rào âm thanh và lập kỷ lục tốc độ trên bộ lên tới 1.220 km/h, với phi công Không quân Anh Andy Green ngồi ở vị trí tài xế. Nay Green lại gây chú ý khi muốn phá kỷ lục bất bại của chính mình, bằng cách điều khiển một "siêu xe" khác còn nhanh hơn thế.

Năm 1997, ThrustSSC trở thành chiếc xe đầu tiên phá rào âm thanh và lập kỷ lục tốc độ trên bộ lên tới 1.220 km/h, với phi công Không quân Anh Andy Green ngồi ở vị trí tài xế. Nay Green lại gây chú ý khi muốn phá kỷ lục bất bại của chính mình, bằng cách điều khiển một "siêu xe" khác còn nhanh hơn thế.

Andy.jpg: Andy Green bên cạnh
Andy Green bên cạnh "quái thú" Bloodhound mà ông sẽ điều khiển để ghi kỷ lục tốc độ

Chiếc xe vô địch về tốc độ

Andy Green và Richard Noble, giám đốc dự án Thrust SSC (SSC là từ viết tắt của Xe Siêu âm), đã hội ngộ với nhau trong khuôn khổ dự án Bloodhound SSC, nhằm đạt tốc độ di chuyển trên bộ lên tới 1.600km/h, tức còn nhanh hơn cả đạn bắn. Ý tưởng chế tạo Bloodhound đã được Noble công bố vào năm 2009 và từ đó tới nay đã dồn tâm sức để phát triển chiếc xe.

Bloodhound có giá lên tới 16 triệu USD và nó được xem là phương tiện di chuyển phức tạp nhất thế giới. Để đạt tới tốc độ kể trên, Bloodhound cần tới một động cơ phản lực Eurofighter Typhoon và một động cơ tên lửa Falcon. Ý tưởng của các nhà thiết kế là động cơ phản lực sẽ giúp đưa chiếc xe đạt tốc độ 560km/h và động cơ tên lửa sẽ làm nốt nhiệm vụ đưa xe lên tốc độ 1.600km/h.

2 động cơ này có thể tạo ra lực đẩy mạnh 47.000 cân Anh. Để dễ hình dung, mỗi động cơ phản lực trong 4 động cơ của máy bay siêu thanh Concorde cũng chỉ tạo ra lực đẩy mạnh gần 38.000 cân Anh khi cất cánh. Tổng sức mạnh của hai động cơ trên tương đương 135.000 mã lực, tức bằng với 180 chiếc xe đua F1 chạy hết công suất! Noble ước tính chiếc xe sẽ chỉ mất 42 giây để đạt tốc độ dự kiến 1.600km/h. Nhưng để khởi động động cơ phản lực, Bloodhound phải dùng một động cơ V12 lắp trên xe đua F1 với công suất 800 mã lực do công ty Cosworth chế tạo. Động cơ này cũng chịu trách nhiệm bơm oxy lỏng vào trong động cơ tên lửa và cấp năng lượng cho hệ thống thủy lực của xe.

Ở tốc độ 1.600km/h, yếu tố ma sát với không khí là không thể xem nhẹ. Được biết Noble và chuyên gia khí động học Ron Ayres đã dành 3 năm để thiết kế chiếc xe dài hơn 12 mét. Xe sẽ nặng tổng cộng hơn 6 tấn khi nạp đầy nhiên liệu và sẽ chạy trên một bộ bánh hợp kim nhôm có đường kính lên tới gần 1m, được sản xuất dưới sự trợ giúp của tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.

"Bác tài" có thần kinh thép

Điều khiển một chiếc xe siêu tốc độ như thế này hiển nhiên sẽ cần tới một con người với thần kinh thép, bởi ở tốc độ lớn như vậy, bất kỳ sai lầm nào cũng có thể khiến người lái phải trả giá bằng mạng sống. Nhưng với phi công chiến đấu như Green, sự nguy hiểm đã trở thành một phần của cuộc sống.

Green đã tốt nghiệp trường đào tạo phi công chiến đấu của Không quân Anh vào năm 1983 và được giao điều khiển những chiếc máy bay F-4 Phantom cùng Tornado F3 .Andy Green hiện là người giữ kỷ lục di chuyển trên bộ với tốc độ nhanh nhất. Ông cũng đang nắm kỷ lục tốc độ với xe sử dụng động cơ diesel. Trong ngày 22/8/2006, ông đã phá kỷ lục trước đó là 380km/h (lập ra trong tháng 8/1973) sau khi đạt tốc độ trung bình 529km/h trên một chiếc xe được thiết kế đặc biệt ở bang Utah, Mỹ. Chỉ 24 giờ sau đó, ông tiếp tục phá kỷ lục của chính mình, khi lái xe đạt tốc độ 563,418 km/h.

Lần này khi điều khiển Bloodhound, ông cho biết chiếc xe sẽ băng qua quãng đường chạy dài gần 20km chỉ trong vòng có 2 phút. "Trong quá trình lái, anh không cảm thấy tốc độ của xe. Anh chỉ cảm thấy nó đang vọt lên và việc mình đang tới đích nhanh thế nào. Cảm giác giống như anh đang ngồi trong một chiếc tàu lượn trên đường sắt và nó di chuyển với tốc độ cao vậy" - ông nói.

Để chuẩn bị cho việc ghi kỷ lục, Green đã lái xe đua tốc độ cao và bay máy bay nhào lộn trong các ngày cuối tuần. Green nói rằng do đã biết rõ về tính chất tự nhiên của một quả tên lửa và động cơ phản lực mà bản thân đang ngồi lên trên nên ông không lo lắng lắm về sự an toàn của bản thân. "Chiếc xe này là cách thức tối ưu giúp đạt được tốc độ cao trong khi vẫn an toàn và đảm bảo có thể kiểm soát được" - ông nói.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, sẽ chẳng hề dễ dáng chút nào khi ai đó phải ngồi ngay dưới một động cơ phản lực còn ồn ào hơn cả một chiếc máy bay Boeing 747, phụt ra luồng khí nóng gấp đôi bên trong một ngọn núi lửa và tạo ra một năng lượng khổng lồ mà không một chiếc xe nào sánh được.
Khuyến khích tình yêu khoa học.

Nhưng ghi kỷ lục tốc độ với Bloodhound không phải là điều mà Green cùng đội của ông mong muốn đạt được nhất. Cả nhóm đã hy vọng dự án sẽ truyền cảm hứng cho các thanh thiếu niên trong nước trở thành các kỹ sư. "Chúng tôi đang hy vọng nỗ lực của mình sẽ truyền cảm hứng cho các em nhỏ về những khả năng mà khoa học công nghệ có thể mang tới cho con người. Chúng ta hiện không thu hút đủ thế hệ trẻ tham gia vào khoa học và kỹ thuật. Vì thế, chia sẻ sự phấn khích liên quan tới chiếc xe của chúng tôi sẽ mang tới cơ hội đặc biệt, giúp kích thích tình yêu khoa học.

Được biết nhóm Bloodhound đã luôn tiến hành công việc của họ một cách công khai, không hề giấu kín trong vòng bí mật. Họ đã tải lên mạng các bản vẽ, tài liệu liên quan tới Bloodhound và còn hợp tác giáo dục với 5.000 ngôi trường ở Anh cùng Nam Phi, nơi chiếc xe hoàn chỉnh sẽ "tung vó" vào năm 2014.

Tường Linh

Đọc thêm