Gây tai nạn rồi bỏ chạy, không được bồi thường bảo hiểm

Tôi dự thi để lấy Bằng lái xe máy. Tuy nhiên, trong thời gian chờ lấy bằng lái, tôi điều khiển xe và gây ra tai nạn giao thông, khiến một người bị thương. Quá hoảng sợ, tôi bỏ chạy. Sau đó, khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm, tôi không được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại, mặc dù trước đó tôi đã mua bảo hiểm dân sự của chủ xe cơ giới và hiện vẫn còn hiệu lực. Việc làm của cơ quan bảo hiểm liệu có đúng?

Anh Nông Văn Hùng (Cao Bằng) hỏi: Tôi dự thi để lấy Bằng lái xe máy. Tuy nhiên, trong thời gian chờ lấy bằng lái, tôi điều khiển xe và gây ra tai nạn giao thông, khiến một người bị thương. Quá hoảng sợ, tôi bỏ chạy. Sau đó, khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm, tôi không được cơ quan bảo hiểm bồi thường thiệt hại, mặc dù trước đó tôi đã mua bảo hiểm dân sự của chủ xe cơ giới và hiện vẫn còn hiệu lực. Việc làm của cơ quan bảo hiểm liệu có đúng?

- Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe…(Điều 13 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).

Đối chiếu với quy định trên thì bạn vừa không có Giấy phép lái xe, vừa bỏ chạy khi gây ra tai nạn nên Doanh nghiệp bảo hiểm không thanh toán tiền bồi thường thiệt hại là đúng pháp luật.

Quyết định hành chính về quản lý đất đai có phải là đối tượng khởi kiện?

Bà Trịnh Thúy Hà ( Ninh Bình) hỏi: Vừa qua, UBND huyện có ra văn bản về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với một người anh họ xa. Tuy nhiên, gia đình tôi nhận thấy quyết định này là không hợp lý. Vậy tôi có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa án hủy quyết định này được không?

- Theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và tiểu mục 7.1 Nghị quyết số 04/2006/NQ - HĐTP thì: "Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai mà các đương sự có quyền khởi kiện để Toà án giải quyết vụ án hành chính bao gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 của Pháp lệnh trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất.

Cần lưu ý là đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong việc giải quyết tranh chấp đất đai thì trong mọi trường hợp đều không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính"

Như vậy, nếu không đồng ý với Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính  trong việc giải quyết tranh chấp đất đai thì những quyết định hành chính, hành vi hành chính đó không phải là đối tượng khởi kiện tại tòa.

PLVN

Đọc thêm