Bà Diệu Thúy giờ đây ốm nặng, cận kề chăm sóc, lo cho mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ, cả chuyện vệ sinh… chỉ có hai vợ chồng cô con nuôi. Còn hai con ruột của bà, giờ ở hai phương trời rất xa, không về thăm mẹ được. Thế mới biết, câu chuyện “máu đào, nước lã” không phải bao giờ cũng đúng.
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Năm 1979, bà Nguyễn Diệu Thúy (quận 11, TPHCM) mất chồng, một mình nuôi hai con, một gái một trai. Gia sản của chồng để lại đủ giúp ba mẹ con sống sung túc trọn đời, nhưng vốn là người tháo vát, bà xắn tay vào làm, mở rộng kinh doanh, chẳng mấy chốc, số tiền trong tay bà lên đến vài tỉ, là một con số rất lớn thời ấy.
Một buổi chiều ngày 23/6/1980, bà Thúy khi ấy có việc đi đến một xưởng may để giao dịch, trời mưa, đường trơn ướt, phía trước, bà thấy có một bé gái nằm gần vệ đường, bất tỉnh. Dù đang rất vội, bà vẫn dừng xe lại, đến xem xét. Bé gái chừng 4 tuổi, có lẽ khi chạy ngang đường, em đã bị một chiếc xe quẹt phải. Đường vắng, tưởng bé gái đã chết, người lái xe bỏ trốn. Lòng trắc ẩn đã khiến bà Thúy bỏ công việc, cùng người tài xế đưa bé gái vào bệnh viện cấp cứu.
Nửa tháng sau thì cháu bé bình phục hoàn toàn sau một ca mổ. Trong khoảng thời gian ấy, chẳng có ai là người nhà đến nhận em. Bà gặng hỏi, cháu bé chỉ nhớ mình tên Thi, năm tuổi rưỡi, qua lời kể bập bõm, bà được biết cha mẹ đã mất, cháu sống với vợ chồng chú ruột, nhưng chú đi làm ăn xa mấy tháng mới về. Một hôm cháu bé đói quá, lục cơm nguội ăn vụng, bị thím đánh đuổi ra khỏi nhà. Cháu đi lang thang cả ngày trời sau đó bị xe cán. Một tháng trời, cháu bé nương náu tại nhà bà Thúy, bà đã tìm nhiều cách liên hệ với gia đình, đăng tin… nhưng không ai đến nhận.
Ba tháng sau, bà quyết định nhận cháu bé làm con nuôi. Hai đứa con bà lúc ấy đã hơn 16 và 14 tuổi, đều phản ứng dữ dội. Nhưng bà đã vừa mắng, vừa thuyết phục con.
Cháu bé được đặt lại tên theo họ chồng bà, lấy tên Lê Thị Diệu Thi. Em sáng dạ, học giỏi và dường như biết thân phận mình nên rất ngoan. Chỉ có điều, ngoài bà Thúy ra, thì hai đứa con bà và cả các dì, cậu đều tỏ vẻ không thích, xa lánh em ra mặt. Tâm hồn non nớt chưa cho em hiểu rõ những khúc mắc đằng sau đó.
Năm 1987, hai con bà lần lượt sang Úc du học, sau đó, lập gia đình và ở luôn bên ấy. Bà còn lại một mình trong căn nhà rộng vắng, may mà có Thi bên cạnh, chăm nom, thương yêu. Khi cô con nuôi ra trường, rồi lập gia đình, bà cho hai vợ chồng một căn nhà nhỏ và ít vốn để làm ăn.
Lập tức, hai đứa con bà bay ngay từ nước ngoài về, làm ẫm ĩ mọi chuyện. Kéo theo đó là áp lực từ phía họ hàng nhà bà và nhà chồng. Thậm chí, có người đặt ra vấn đề rằng bé Thi không phải bà nhặt được ngoài đường, mà là con riêng của bà với tài xế, bà đã tìm cách hợp thức hóa cho đứa con hoang để nó “ẵm hết gia sản nhà này”.
Trước sức ép và điều tiếng, người đàn bà một đời đem lòng yêu thương đối đãi với mọi người nhận ra rằng, nếu bà không làm rõ ràng mọi sự, bà sẽ không được yên với họ. Thế là bà lập di chúc. Phần lớn tài sản bà để lại cho hai đứa con và nhà chồng, chỉ cho con gái nuôi một ít và giữ lại căn nhà nhỏ cho mình. Nhưng Thi và chồng đã lên tiếng từ chối. Trước cuộc họp gia đình, cô nói: “Con biết ơn mẹ đã cứu sống con, gia đình đã cưu mang con mẹ cho con vậy là nhiều lắm rồi, vợ chồng con không dư giả nhưng cũng đủ sống, con không cần gì hơn”. Nhờ thế mà những lời xì xào, chì chiết mới dần tan đi.
Hai đứa con ruột của bà Thúy, nhận được phần tiền lớn, lập tức bay sang nước người, nghe đâu họ lấp tức đầu tư vào kinh doanh nhà hàng và khách sạn, không thèm nhìn xem mẹ mình sống ra sao với số tiền ít ỏi còn lại.
Phần thất vọng vì con cái và những người xung quanh, phần vì trải nhiều năm tháng hao tâm tổn trí cho công việc mà chỉ mình mình gánh vác, bà ngã bệnh. Lúc bà phát hiện ra căn bệnh ung thư phổi, thì xung quanh bà chẳng còn ai.
Để chữa bệnh, bà phải bán căn nhà và vào nằm viện dài hạn. Vào chăm bà, chỉ có cô con nuôi, chồng cô và những đứa cháu nhỏ xíu gọi bà Thúy là bà ngoại. Rồi họ đón bà về nhà chăm nom. Lúc này, không còn ai lên tiếng so bì nữa, vì trong tay bà chẳng còn gì để phải “lợi dụng”. Khi bà Thúy liệt giường, hai đứa con ruột có về thăm, nhưng chỉ một tuần rồi đi. Trước khi đi, họ có gửi cho chị Thi hai phong bì dày cộm, gọi là “tiền chăm sóc mẹ”, nhưng chị Thi không nhận. Chị bảo chị coi bà như mẹ đẻ, nên có trách nhiệm của một người con, không việc gì phải lấy tiền để chăm mẹ cả. Việc làm tốt đẹp duy nhất của hai người con ruột ấy là mua những loại thuốc đắt tiền liên tục gửi về cho bà chữa bệnh.
Giờ đây bà Thúy đã gần đất xa trời. Bà vẫn luôn tâm sự với những người xung quanh, là bà ân hận khi hồi trước mình lo làm ăn mà không chăm nom đến việc dạy dỗ, uốn nắn nhân cách cho các con, để chúng nó trở thành vô cảm, bội bạc như thế. Bà cũng tiếc rằng mình đã nhu nhược thuận theo ý các con ruột, để bây giờ khi sa cơ, trắng tay, trở thành gánh nặng cho gia đình cô con gái nuôi.
Mọi việc chăm nom bà Thúy, từ xúc cơm cho ăn, thuốc men, vệ sinh… đều một tay chị đảm nhận, dù gia cảnh cũng chẳng giàu có gì, và công việc nhân viên bán hàng siêu thị của chị vốn đã bận bịu. Những người đến thăm bà Thúy đều cảm phục, bảo rằng cái ngày bà nhặt đứa trẻ bị thương bên vệ đường, hóa ra lại là phúc cho bà. Nếu không có ngày đó, không biết mọi sự sẽ ra sao.
Thu Thúy