Gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với những di tích lịch sử văn hoá bên dòng sông Nhuệ

Trong thế kỷ XIII, XIV, gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã sống ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Thiên Trường (Nam Định), Thăng Long (Hà Nội), Kiếp Bạc - Chí Linh (Hải Dương), Ứng Thiên (Hà Đông - Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội).
Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Quảng trường 3-2 (TP Nam Định).

Trong thế kỷ XIII, XIV, gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã sống ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Thiên Trường (Nam Định), Thăng Long (Hà Nội), Kiếp Bạc - Chí Linh (Hải Dương), Ứng Thiên (Hà Đông - Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội).

Ở vùng đất Phủ Ứng Thiên có dòng sông Đáy, sông Nhuệ, đều bắt nguồn từ sông Hồng, sau đó chảy qua vùng đất Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay, rồi chảy ra biển.

Dọc đôi bờ sông Nhuệ cổ, có thể thấy rất nhiều di tích lịch sử văn hoá đình, đền, chùa gắn với triều Trần, đặc biệt là gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vào thế kỷ XIII, gia đình ông có đất thang mộc ở nơi đây. Sau năm 1237, gia đình mới chuyển về An Sinh, An Bang, An Hưng, An Dưỡng, An Phụ, theo quyết định của triều đình. Năm 1251, mới chuyển một phần đất Phủ Ứng Thiên cho Trung Thành Vương xã Kim Chung, huyện Hoài Đức ở gần thị trấn Trạm Trôi và Nhổn nhộn nhịp, sôi động hiện nay. Nhưng cũng ở nơi đây, có hai đình quán, gắn với việc thờ phụng An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tướng Trần Liễu đã ở đây năm 1237; mấy chục năm sau, ông trở lại nơi đây ông xin triều đình cho làng Lai Xá được hưởng chế độ Hộ Gia Thần, dân làng được miễn phu phen, tạp dịch. Ông giúp dân làng xây sửa Đình Quán, Đình Đụn, chùa Bảo Liên, chùa Linh Bảo, giúp đỡ người già, người nghèo, neo đơn. Sau khi ông qua đời, dân làng Lai Xá đã xin triều đình được thờ phụng ông làm Thành hoàng làng. Ngày nay ở Đình Quán có bài vị thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Ở Đình Đụn có bài vị thờ Hoàng hậu và cung phi Nguyệt Nương. Ngày 15 tháng 2 hàng năm, dân làng Lai Xá mở hội tế lễ ở Đình Quán và Đình Đụn, ngày 15 tháng 2 là ngày ông trở lại thăm làng lần cuối cùng.

Di tích thứ hai có sự tích liên quan đến An Sinh Vương Trần Liễu và Trần Hưng Đạo là chùa Khúc Thuỷ, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Dân làng Lai Xá (Hoài Đức) và dân làng Khê Tang (Thanh Oai) kể rằng: Năm 1237, sau khi Trần Thái Tổ (1184-1234) (tức Trần Thừa) qua đời, Thái sư Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung nhiều trách nhiệm và quyền lực hơn, làm xáo trộn đời sống tình cảm của 4 người: Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Lý Chiêu Hoàng, Trần Liễu và Lý Thuận Thiên. Trần Thủ Độ ép Lý Thuận Thiên đang có mang (Trần Quốc Khang) được ba tháng, phải lấy Trần Thái Tông, gọi là mạo nhận, để có con nối dõi sự nghiệp hai dòng tộc Trần - Lý. Phản ứng trước sự áp đặt trên, Trần Thái Tông chạy ra Yên Tử (Quảng Ninh), Trần Liễu chạy về Lai Xá, Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Để đề phòng chuyện không hay có thể xảy ra, chẳng hạn, Trần Thủ Độ bắt Trần Quốc Tuấn (bắt con) để ép Trần Liễu (ép bố), Trần Liễu đã bí mật gửi Trần Quốc Tuấn vào chùa làng Khúc Thuỷ, bên dòng sông Nhuệ, ẩn mình trong hàng cây cổ thụ xum xuê, ít người biết đến. Sau này, khi theo lệnh của triều đình, Trần Liễu về an trí ở An Sinh Kinh Môn (Hải Dương), ông mới đón Trần Quốc Tuấn về với gia đình. Thời thơ ấu, Trần Quốc Tuấn đã được bảo vệ, nuôi dưỡng trong chùa Khúc Thuỷ.

Ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, có 2 đình, gọi là đình Hạ và đình Thượng làng Khê Tang, thờ phụng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - vị thánh của dân tộc và thờ phụng tướng Trần Thông làm Thành hoàng làng Khê Tang. Thần phả ở đình ghi lại sự kiện: Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã về làng Khê Tang, nơi ông được sống trong sự đùm bọc thời thơ ấu (1237) song bây giờ là 1285, ông đã kêu gọi thanh niên trai tráng trong làng nhập ngũ, các bậc cao niên ủng hộ. Kết quả 271 thanh niên trong làng tòng quân đánh giặc. Tiếp đó, tướng Trần Thông cùng các dân binh tiến về phía bến Chương Dương (Thường Tín) đánh thắng giặc Nguyên Mông. Chỉ huy trận đánh này là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.

Năm 1289, thay mặt triều đình, Trần Hưng Đạo và tướng Trần Thông về khen thưởng cho làng, cấp tiền bạc để dân sinh sống. Làng dựng đình, Trần Hưng Đạo đã chọn đất có thế đẹp và chọn hướng cho đình.

Tưởng nhớ công đức hai Anh hùng, dân làng đã xin triều đình được thờ phụng và noi theo. Hoành phi của đình ghi "Nhật Nguyệt Tinh" ca ngợi hai anh hùng cứu nước là sao sáng toả đất trời, quê hương, cho muôn đời.

Xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, có đình Canh Hoạch (đình Vác) thờ tướng quân Trần Quốc Uy là con trai thứ 3 của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tướng Trần Quốc Uy đã về nơi đây tuyển quân, nhận lương thực, được dân làng Canh Hoạch hết lòng ủng hộ. Ông đem quân đi đánh giặc ở nhiều nơi. Năm 1289, triều đình ban thưởng cho các làng - yêu nước - đánh - giặc - giỏi. Tướng Trần Quốc Uy về khen thưởng dân làng Canh Hoạch, giúp dân dựng đình chùa, đào giếng, chăm lo cho người nghèo. Sau khi ông qua đời, dân làng xin triều đình được thờ ông là Thành hoàng làng Canh Hoạch.

Ở xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, có đình Cống Xuyên. Trong cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược Nguyên - Mông, tướng Phạm Ngũ Lão (con rể của Trần Hưng Đạo) đã tuyển quân, nhận lương ở nơi đây. Dân làng già trẻ tham gia cứu nước, giúp đỡ cánh quân của tướng Phạm Ngũ Lão. Đánh thắng giặc ở Hàm Tử (nay là xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, năm 1289, tướng Phạm Ngũ Lão đã về khen thưởng dân làng Cống Xuyên. Nhớ công đức của ông, dân làng đã thờ phụng khi ông qua đời.

Xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên có đình Thần Quy và chùa Thần Quy. Xã kề giáp vùng núi Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, bên bờ sông Châu Giang, nối với sông Nhuệ ở phía tây, với sông Hồng ở phía đông, là vị trí chiến lược của nhà Trần.

Huyền Trân Công chúa là con của vua Trần Nhân Tông, là cháu ngoại của Trần Hưng Đạo, đã dừng chân ở nơi đây khi bà vào Chiêm Thành, làm Hoàng hậu của vua Chế Mân. Khi vua Chiêm qua đời, trở về Đại Việt, bà dừng chân ở nơi đây. Những năm cuối đời, quy y cửa Phật, tu hành, Huyền Trân Công chúa cũng đã về chùa Thần Quy và giúp đỡ cho dân làng. Cho đến ngày nay, chùa Thần Quy còn giữ được hệ thống tượng Phật độc đáo in đậm nghệ thuật điêu khắc của thời Trần, thế kỷ XIII, XIV. Nhớ ơn Huyền Trân Công chúa, dân làng xã nơi đây đã thờ phụng bà trong đình làng Thần Quy.

Sông Nhuệ cổ là dòng sông quan trọng về mặt quân sự, kinh tế, văn hoá, tâm linh vào thời Trần. Ngày nay, thăm các di tích lịch sử văn hoá, theo dòng sông Nhuệ, được suy ngẫm thêm về tình cảm của nhân dân đối với gia đình Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, từ đó rút ra bài học: Nhân dân không bao giờ quên ơn các danh tướng, danh nhân, anh hùng có công với đất nước./.

Trần Quang Vinh

Đọc thêm