Gia đình “mờ nhạt” trong phòng, chống HIV

Thông tin này thực sự “gây sốc” đối với bác sĩ Jean-Baptise Dufourcq (Tùy viên Hợp tác Y tế và Phát triển xã hội - Đại sứ quán CH Pháp tại Hà Nội) vì sự gắn bó của thanh thiếu niên Việt Nam với gia đình rất lớn, nhưng gia đình lại hầu như “không đóng vai trò gì để cung cấp hiểu biết về HIV cho thanh thiếu niên” như kết quả điều tra của SAVY (Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam)...

Thông tin này thực sự “gây sốc” đối với bác sĩ Jean-Baptise Dufourcq (Tùy viên Hợp tác Y tế và Phát triển xã hội - Đại sứ quán CH Pháp tại Hà Nội) vì sự gắn bó của thanh thiếu niên Việt Nam với gia đình rất lớn, nhưng gia đình lại hầu như “không đóng vai trò gì để cung cấp hiểu biết về HIV cho thanh thiếu niên” như kết quả điều tra của SAVY (Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam)...

Vận động các bạn trẻ chung tay phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh minh họa

Kỳ thị làm tăng nguy cơ

Câu chuyện của anh N.T.V (29 tuổi, kỹ sư xây dựng) có mối quan hệ “ngoài luồng” với một nữ nhân viên cùng cơ quan. Chỉ đến khi nghe phong phanh về quá khứ “bất hảo” của người tình, V. mới giật mình. Mọi chuyện vỡ lở khi có thông tin cô nhân viên “dương tính với HIV”. Cô này đã lập tức bị cho thôi việc mà không có lý do.

Hay cũng đã có trường hợp chính một nữ sinh viên đang tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, lại xin tư vấn về nguy cơ lây nhiễm HIV sau khi có quan hệ tình dục mà bạn trai không dùng bao cao su. Thậm chí nữ sinh viên này đã từng từ chối tham gia một bữa liên hoan ngọt khi biết một số khách mời là người có HIV với lý do... sợ lây (!).

BS.Vũ Minh Phượng - Phó Trưởng Bộ môn Điều dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội - coi những câu chuyện trên là “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa cho thấy tình trạng có hiểu biết nhưng vẫn lây nhiễm HIV và sự kỳ thị của một bộ phận xã hội đối người có HIV. Bởi “khoảng cách từ hiểu biết đến hành động còn rất rộng” nên tỷ lệ thanh thiếu niên hiểu biết cao về HIV/AIDS chưa phải là tín hiệu đáng mừng.

Thực ra nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS của nhóm người có hiểu biết cao cũng không nhỏ do thiếu chủ động phòng tránh hoặc chủ quan. Song đáng lo ngại là chính một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên (chủ yếu ở nông thôn) vẫn thiếu hiểu biết về HIV/AIDS có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ kỳ thị đối với người HIV.

Kỳ thị có thể được coi là một khía cạnh của sự phát triển nên không thể loại bỏ sự kỳ thị khỏi đời sống xã hội. Nhưng với những người HIV, kỳ thị có thể sẽ “giết chết” họ ngay khi họ vẫn đang sống trong cộng đồng và đem đến nhiều nguy cơ cho chính cộng đồng đó. Điều nguy hiểm là chính sự kỳ thị là cho người có HIV không dám công khai tình trạng thực của mình, không đi xét nghiệm khiến nguy cơ lây nhiễm HIV tăng do không được phòng ngừa, không có thông tin.

Hay nghiêm trọng hơn là xã hội sẽ phải gánh chịu những phản ứng tiêu cực của họ khi biết mình bị kỳ thị vì có HIV như câu chuyện của một thành viên có HIV của nhóm Hoa Xương Rồng (gồm những phụ nữ sau cai nghiện): “Một lần em vào hàng ăn, có 3 đứa thanh niên cứ nhìn “đểu” em rồi đứng lên bỏ đi khi em ngồi vào bàn. Lúc đó em ước có 1 cái kim tiêm để em đâm vào em rồi đâm vào chúng nó cho bõ tức”. Nhiều gái bán hoa bị rẻ rúng vì có HIV đã “đi khách” không dùng bao cao su. Nguyên nhân theo H.P.Y. - một gái bán hoa -  là để “trả thù đời, cho chúng nó (khách mua dâm - PV) biết thế nào là có HIV, để chúng nó trả giá vì đã khinh bọn em”.

Mình phải mạnh thì mới “kéo” người khác

BS.Phượng đã khuyên nhiều bạn trẻ như vậy khi biết họ có ý định giúp bạn mình thoát khỏi ma túy, mại dâm, HIV. Vì thực tế, “có không ít bạn trẻ cảm thông, càng muốn kéo những người đang “tụt dốc” vào tệ nạn xã hội về với cuộc sống thì lại thấy chính mình bị kéo xuống dốc và cuối cùng đành bỏ cuộc hoặc lao vào guồng tệ nạn cùng những người đã bị “tụt dốc” - BS.Phượng phản ánh.

Không kỳ thị người nghiện ma túy, người có HIV là thể hiện sự hiểu biết vì theo phân tích của các nhà tâm lý và bệnh lý học, nghiện bất kỳ thứ gì và có HIV cũng là những loại bệnh, cần được chữa trị. Bên cạnh đó, ngày nay, nhiều người là nạn nhân khi họ bị nhiễm HIV không phải do tiêm chích ma túy hay mại dâm.

“Mở rộng vòng tay, thân thiện với người có HIV sẽ khai thác được tính thiện trong con người họ, không làm họ cảm thấy ác cảm, phải gồng mình trước sự phân biệt, kỳ thị của xã hội. Họ sẽ cùng góp phần đẩy lùi HIV/AIDS và xã hội sẽ được lợi”. Điều này đã được minh chứng qua hiệu quả hoạt động của nhiều nhóm đồng đẳng, trong đó có nhóm Hoa Hướng Dương (của những phụ nữ bị nhiễm HIV từ chồng).

Còn về phương diện gia đình, nếu như ở châu Âu, gia đình chính là người khuyến khích, hướng dẫn các thành viên trẻ sử dụng các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS (chủ yếu là dùng bao cao su khi quan hệ tình dục) thì ở Việt Nam, rất ít thanh thiếu niên nghe về HIV, chứ chưa nói đến các biện pháp phòng tránh HIV, về tình dục an toàn, từ gia đình (cha mẹ, ông bà, anh chị em hay vợ/chồng).

Điều này cho thấy một “lỗ hổng” rất lớn trong “lực lượng” tham gia trang bị kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho giới trẻ ở Việt Nam. “Gia đình cần phải đóng vai trò cốt yếu, nền tảng và đạt hiệu quả thực sự trong phòng ngừa HIV ở giới trẻ. Điều quan trọng nữa là cần phát huy sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về vấn đề này để cuộc chiến chống HIV/AIDS đạt kết quả” - bác sĩ Jean-Baptise Dufourcq lưu ý.

Học vấn và mức sống tỷ lệ thuận với hiểu biết về HIV

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) năm 2004 và 2009 cho thấy, trình độ học vấn và mức sống tỷ lệ thuận với hiểu biết về HIV/AIDS. Những đối tượng có hiểu biết kém thì nguy cơ lây nhiễm HIV cũng rất cao. Hiện 70% thanh thiếu niên Việt Nam hiểu biết khá tốt về phòng và phát hiện HIV/AIDS, nhưng cũng còn đến 55,4% thanh thiếu niên có dấu hiệu của thái độ phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS.

Sông Hương

Đọc thêm