Gia Lai: Sinh kế bền vững từ tín dụng chính sách

(PLO) - Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống được cải thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng trao đổi với hộ vay vốn Ksor HPlô (thôn Hlil 1, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng trao đổi với hộ vay vốn Ksor HPlô (thôn Hlil 1, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách

Những cuộc đời thay đổi

Chị H’ Ayết – hộ vay vốn ở làng Klăh 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, với đồng vốn ít ỏi của gia đình và vốn vay NHCSXH huyện năm 2013 là 10 triệu đồng và món vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 30 triệu đồng năm 2016, hiện nay gia đình đã có 800 cây cà phê kinh doanh, 3 sào lúa, 1 con heo nái, 12 con heo thịt. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình đến thời điểm này đã trừ chi phí là 100 triệu đồng/năm và mua sắm được nhiều tiện nghi trong nhà. 

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2007 - 2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa diễn ra mới đây, bà Rchăm H’Hồng - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh: Nhờ các chính sách tín dụng ưu đãi mà hội viên phụ nữ DTTS đã mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn, được hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 

“Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều hộ hội viên là người DTTS vay vốn của NHCSXH vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi có thu nhập hàng năm từ 100 đến 200 triệu đồng. Tín dụng chính sách bước đầu đã làm thay đổi nhận thức tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, góp phần xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” – bà Rchăm H’Hồng cho biết.

Từ năm 2007 đến nay, doanh số cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai đạt 8.639,9 tỷ đồng, với 458.609 lượt hộ vay, trong đó doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS là 3.455,6 tỷ đồng, với 203.216 lượt hộ vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/3/2018 đạt 4.046,6 tỷ đồng, tăng 3.311,6 tỷ đồng so năm 2007, tăng gấp 5,5 lần. Có 80.105 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang còn dư nợ, chiếm 50,12% số hộ dư nợ tại NHCSXH, với dư nợ là 1.890,6 tỷ đồng, chiếm 46,72% tổng dư nợ, dư nợ bình quân hộ DTTS đạt hơn 26,66 triệu đồng/hộ. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 203 ngàn hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. 

Ưu tiên tạo nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số vay ưu đãi

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân, đặc biệt là với khối đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong việc triển khai tín dụng đối với tỉnh Gia Lai là trình độ dân trí chưa đồng đều, còn thấp; một số xã không còn quỹ đất sản xuất để thực hiện cho vay đối với những hộ có nhu cầu vay để cải tạo đất sản xuất, giao thông đi lại rất khó khăn nhất là vào mùa mưa, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp hàng năm vẫn thường xuyên xảy ra; nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay còn chưa kịp thời và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con.

Do vậy, để chính sách tín dụng mà đặc biệt tín dụng chính sách cho hộ đồng bào DTTS được triển khai hiệu quả và đồng đều thì NHCSXH tỉnh Gia Lai cần tập trung chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt Chỉ thị 40-CT/TW, đặc biệt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; ưu tiên tập trung vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhằm đảm bảo 100% nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đủ vốn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững. 

“UBND tỉnh Gia Lai sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp quyết liệt xử lý và ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” len lỏi trong vùng đồng bào DTTS; chủ động phân công các thành viên Ban đại diện HĐQT tăng cường kiểm tra giám sát vốn vay tại cơ sở, không để nợ quá hạn phát sinh. Tôi cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương các huyện, thị hàng năm ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cùng cấp để cho vay hộ đồng bào DTTS trên địa bàn, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh” - ông Nguyễn Đức Hoàng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - nhấn mạnh.

Đọc thêm