Giá nước "rượt đuổi" giá điện?

Chuyên gia cho rằng, nước sạch là một trong những mặt hàng độc quyền, vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và không gây lo ngại trong người dân…

Chuyên gia cho rằng, nước sạch là một trong những mặt hàng độc quyền, vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và không gây lo ngại trong người dân…

Giá nước sạch Hà Nội từ 1/10/2013 sẽ tăng lên 4.797 đồng/m3
Giá nước sạch Hà Nội từ 1/10/2013 sẽ tăng lên 4.797 đồng/m3.

Tăng giá, doanh nghiệp vẫn lỗ?

Theo “trần tình” của Công ty Nước sạch Hà Nội thì rằng giá nước hiện nay trên địa bàn Hà Nội “không còn đủ bù đắp giá thành sản xuất”, trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều biến động tăng như giá điện, giá hóa chất, nguyên vật liệu…

Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch hiện nay là “cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế”. 

Bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng Ban giá (Sở Tài chính Hà Nội) chia sẻ, do việc điều chỉnh giá nước sạch ảnh đến đời sống nên Sở này dự kiến đưa ra một lộ trình tăng giá để tránh những chi phí đột biến cho người dân. Lộ trình tăng giá sẽ chia làm 3 thời điểm: Từ ngày 1/10/2013 sẽ tăng lên 4.797 đồng/m3, từ ngày 1/10/2014 sẽ tăng lên 5.773 đồng/m3, từ ngày 1/10/2015 sẽ tăng lên 6.869 đồng/m3. “Dù giá nước tăng, năm nay Công ty nước sạch vẫn bị lỗ khoảng 185 tỷ. Nếu giá nước điều chỉnh theo lộ trình, phải tới năm 2015 mới bù lỗ được", bà Hằng giải thích.

Ông Nguyễn Như Hải – Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội - khẳng định, công ty là đơn vị sản xuất kinh doanh của nhà nước, lấy thu bù chi và hoàn toàn không được bù giá như nhiều đơn vị công ích khác. “Mặc dù là doanh nghiệp kinh doanh nhưng lại chịu sự áp giá của nhà nước nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay giá nước sạch thu không đủ bù chi, mỗi năm doanh nghiệp chịu lỗ khoảng 180 tỷ đồng. Chúng tôi cũng phải lấy nhiều hoạt động kinh doanh khác để bù lỗ” – ông Hải cho biết.

Ông Hải tin rằng, nếu theo lộ trình tăng giá thì nếu giá nước sạch tăng gần 800 đồng/m3 sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.

Tăng giá phải hợp lý

Kể từ đầu năm tới giờ, mỗi khi các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… tăng một thì giá cả tất cả hàng hóa, sản phẩm dân sinh khác trên thị trường đã nhảy lên thành 3,4 lần... Cụ thể, Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8 năm 2013 đã tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng tháng năm trước.

Trong đó, có nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng mạnh nhất, tới 4,11% do có tỉnh điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Tiếp theo, nhóm giao thông cũng tăng giá mạnh, đạt 1,11%, nhóm giáo dục tăng gần 0,9%....

Liên quan đến giá nước, TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, nước sạch là một trong những mặt hàng độc quyền, vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát việc tăng giá nước sạch cũng như giá cả của mặt hàng này sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế sản xuất và không gây lo ngại trong dân. Mặc dù phải đảm bảo đủ chi phí cho Công ty Nước sạch hoặt động, nhưng Nhà nước cũng nên kiểm soát chi phí này.

Thực ra, kể cả điện, nước hay xăng dầu, có “ông” nào khi tăng giá mà không kêu là mình đang "lỗ lên lỗ" xuống đâu…

“Lương Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội là 30 triệu đồng/tháng; lương của Chủ tịch HĐQT là 31 triệu đồng. Hàng tháng, lãnh đạo công ty lĩnh 80% số lương, cuối năm mới được lĩnh số còn lại nếu đạt kế hoạch”, ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, tiết lộ.

Mai Hoa

Đọc thêm