Giá nước sạch tăng, sửa đổi về phân vùng khai thác thủy sản và áp dụng một số chế độ ưu đãi đối với Cảnh sát biển là một số chính sách vừa được Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Tài chính ban hành.
Biến động lớn về giá nước sạch
Để hướng dẫn về khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng từ ngày 11/7 tới, Bộ Tài chính vừa có thông tư số 88/2012/TT-BTC quy định về vấn đề này. So với quy định hiện hành (tại Thông tư số 100/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009), kể từ ngày 11/7/2012, khung giá nước sạch sẽ có biến động khá lớn. Theo đó, nước sạch ở đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 sẽ có giá tối đa là 18.000 đồng/m3 và tối thiểu là 3.500 đồng/m3 (khung giá hiện hành giá tối đa là 12.000 đồng/m3, và giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3).
Giá tối đa nước sạch ở đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 sẽ có mức mới 15.000 đồng/m3 thay vì 10.000 đồng/m3 như trước. Giá tối thiểu ở khu vực này cũng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/m3 lên thành là 3.000 đồng/m3.
Ở khu vực nông thôn, khung giá nước sạch sinh hoạt mới sẽ dao động ở ngưỡng 2.000-11.000 đồng/m3 thay vì 1.000-8.000 đồng/m3 như trước kia.
Sửa đổi về phân vùng khai thác thủy sản
Trước đây, theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP, vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản: vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi. Trong đó, vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển tại bờ biển và tuyến bờ.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 53/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về phân vùng khai thác thủy sản.
Nghị định 53 lần này đã quy định cụ thể, vùng biển ven bờ được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ. Đối với các địa phương có đảo, UBND cấp tỉnh căn cứ vào sự cần thiết và đặc điểm cụ thể của từng đảo quy định vùng biển ven bờ của các đảo đó, nhưng giới hạn không quá 6 hải lý, tính từ mực nước thủy triều thấp nhất của đảo.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam ngoài việc phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 33 (phải có đủ biên chế thuyền viên; đã được đăng ký, đăng kiểm; có bảo hiểm thuyền viên...) thì Nghị định 53 sửa đổi thêm quy định là phải có sổ thuyền viên tàu cá hoặc chứng chỉ nghiệp vụ thuyền viên tàu cá.
Đối với tổ chức, cá nhân đưa tàu cá đi khai thác ở vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác phải đáp ứng các điều kiện quy định đối với tàu cá, đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và các điều kiện sau: có hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển, được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có biển đó chấp thuận hoặc theo nội dung của Hiệp định hợp tác nghề cá giữa quốc gia và vùng lãnh thổ có biển với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thuyền viên trên tàu phải có hộ chiếu phổ thông; trên tàu hoặc cùng một nhóm tàu phải có ít nhất 1 người biết tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; đáp ứng được điều kiện khác theo quy định của pháp luật nước sở tại (nếu có)....
Áp dụng một số chế độ ưu đãi đối với Cảnh sát biển
Theo Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/8 tới đây, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hàng tháng được hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo tính theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung và thời gian thực tế công tác ở đảo xa.
Cụ thể, trường hợp các đối tượng nêu trên làm nhiệm vụ ở các đảo xa thuộc các vùng biển Việt Nam từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm được hưởng mức 0,2; từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm, mức hưởng là 0,3; đối với sĩ quan, binh sĩ từ đủ 15 năm trở lên, mức hưởng là 0,4.
Đối với các đối tượng làm nhiệm vụ từ đủ 5 năm trở lên ở các đảo gần bờ, bao gồm các đảo: Cái Bầu, Đình Vũ, Cồn Đen, Cồn Lục, Cồn Vành, Đảo Ne, Đảo Ngư, Đảo Sơn Dương, Hòn La, Hòn Tre và Bình Ba được hưởng mức 0,1. Trong đó, thời gian công tác để tính hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo là tổng thời gian công tác thực tế ở các đảo, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.
Đặc biệt, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm, cứu nạn trên biển được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đi biển với mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển.
Đông Quang