Giá thép trên thị trường không thể tăng đột biến

 Có hiện tượng doanh nghiệp vừa tăng giá, vừa găm hàng, chờ sau thời điểm ngày 1-3, khi điện tăng giá và nghe ngóng về mặt bằng giá nguyên liệu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, giá thép thời gian tới sẽ không thể tăng đột biến.

Ngày 18-2, nhiều công ty thép phía Nam đồng loạt tăng giá bán. Công ty CP Thép Việt (Thép Pomina) và liên doanh thép Vina Kyoei đều tăng thêm 500.000 đồng/tấn cả hai loại thép cuộn và thép cây; Thép Miền Nam tăng thêm 300.000 đồng/tấn. Có hiện tượng doanh nghiệp vừa tăng giá, vừa găm hàng, chờ sau thời điểm ngày 1-3, khi điện tăng giá và nghe ngóng về mặt bằng giá nguyên liệu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, giá thép thời gian tới sẽ không thể tăng đột biến.

Nguồn cung không thiếu
Tại Hải Phòng, giá thép xây dựng tuy có tăng so với trước Tết Tân  Mão nhưng không cao bằng các tỉnh phía Nam. Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec, chủ đầu tư dự án KCN Nam Cầu Kiền Phạm Hồng Điệp cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng KCN, gấp rút để kịp hoàn thành các hạng mục nhà máy xử lý nước thải, đường nội bộ…vào cuối quý 1 này, nhu cầu mỗi tháng vài trăm tấn thép xây dựng. Công ty đang lấy thép HPS của Công ty CP thép Việt Nhật với giá khoảng 15,5- 15,6 triệu đồng/tấn, chưa có thuế VAT (trừ vào tiền thuê đất). So với đầu năm nay, mức giá này chưa tăng. Tuy nhiên, sau 1-3, khi giá điện tăng, nhiều khả năng giá thép sẽ tăng theo, tỷ suất đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Công ty CP Thép Sao Biển, hiện mua thép dây trên thị trường Hải Phòng với giá khoảng hơn 17 triệu đồng/tấn, bao gồm cả VAT để sản xuất lưới thép. Với nhu cầu khoảng 500 tấn/tháng, đơn vị cũng lo ngại về một đợt tăng giá thép mới.

Xuất xưởng sản phẩm thép xây dựng Ảnh: Duy Thính
Xuất xưởng sản phẩm thép xây dựng                                          Ảnh: Duy Thính

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thép, việc tăng giá thép là do nguyên liệu đầu vào tăng, các chi phí vay vốn tăng, không phải do nguồn cung thiếu; lượng tiêu thụ thép không tăng nhiều. Các doanh nghiệp thép trên địa bàn thành phố cũng như cả nước sản xuất ổn định trong những tháng đầu năm do lo ngại những tháng tiếp theo sẽ bị cắt, giảm điện.
Do sản xuất thép trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như phôi thép, thép phế, quặng sắt, đang tăng cao trên thị trường thế giới nên việc tăng giá thép thành phẩm khó tránh khỏi. Việc tăng tỷ giá ngoại tệ và lãi suất vay vốn cao cũng là áp lực đẩy giá thép lên. Theo một số chủ đầu tư có dự án đang triển khai, bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thép đầy đủ theo hợp đồng đã ký, cũng có hiện tượng doanh nghiệp sản xuất và thương mại găm hàng đợi diễn biến của thị trường để tăng giá sau ngày 1-3.

Đừng tự đánh mất cơ hội cạnh tranh
Nhìn lại sự tăng giảm giá thép trong thời gian qua, cho thấy, nhu cầu thép thường tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm dần vào giữa năm rồi lại tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Quy luật này phụ thuộc vào “mùa” xây dựng và thời tiết bởi các tháng giữa năm cũng là mùa mưa nhiều nên lượng tiêu thụ thép giảm. Như vậy, theo quy luật này, giá thép sẽ không thể tăng mãi bởi miền Bắc sắp bước vào mùa mưa, nếu doanh nghiệp cố tình găm hàng, người tiêu dùng quay lại “tẩy chay” thì sẽ bị nợ đọng một lượng vốn rất lớn. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp trong nước tăng giá thép lên quá cao sẽ tự đánh mất cơ hội cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á vào thị trường Việt Nam. Để không mắc vào cái vòng luẩn quẩn do chính mình giăng ra, doanh nghiệp thép cần tự điều chỉnh mức giá phù hợp. Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép có phần vốn nhà nước cần đi đầu trong việc góp sức bình ổn thị trường thép cũng như giá cả hàng hóa nói chung, tránh việc “té nước theo mưa”.
Do tình hình thời tiết năm nay diễn biễn bất thường, nhiều khả năng ngành điện sẽ không cung ứng đủ nhu cầu về điện cho ngành thép. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, VSA dự báo lượng thép sản xuất và tiêu thụ năm 2011 chỉ ở mức 6 triệu tấn/năm, giảm gần 2 triệu tấn so với năm trước (năm 2010 đạt 7,83 triệu tấn/năm) do thiếu điện. Đặc biệt, giá thép sẽ biến động khó lường và phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Song, dù giá nguyên liệu đầu vào diễn biến khó lường, nhưng nếu các doanh nghiệp cùng chung tay bình ổn giá sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Mai Hương

Đọc thêm