Tuần qua, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng phát đi thông điệp: Không tăng giá bán xăng dầu, giá điện và một số mặt hàng thiết yếu khác từ nay đến hết năm và quý 1/2011… Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần bình ổn thị trường cũng như tâm lý người tiêu dùng.
Xăng dầu sẽ không thiếu
Theo báo cáo của các công ty kinh doanh xăng dầu, hiện chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở (theo quy định Nghị định 84/2009/NĐ-CP) các mặt hàng xăng, diezen và dầu hỏa trên dưới 2.000 đồng/lít, mazut khoảng 1.000 đồng/kg. Do mức lỗ kinh doanh xăng dầu lớn, diễn ra trong một thời gian dài đã gây khó khăn cho các DN.
Số liệu từ Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, đến nay, các DN đầu mối xăng dầu đã nhập khẩu được 70% hạn mức tối thiểu xăng dầu cho phép, đó là chưa tính đến lượng xăng dầu sản xuất tăng vượt của NMLD Dung Quất được tiêu thụ trong năm nay. Như vậy, năm 2010, lượng tiêu thụ xăng dầu đã vượt 8% so với năm 2009.
Tại cuộc họp với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn biện pháp bảo đảm cung cầu, ổn định giá bán xăng hôm 16/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã chia sẻ với các khó khăn của DN, đồng thời cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết dịp Tết Nguyên đán 2011 sẽ không tăng giá xăng dầu.
Trước mắt để ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và đến Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Đồng thời để đảm bảo nguồn cung, hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương cũng sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn ngoại tệ cho các DN nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu.
Bộ Công Thương khẳng định, trong khi nguồn xăng dầu sản xuất từ NMLD Dung Quất đang thuận lợi, cộng với nguồn hàng đang nhập về của các DN trong những ngày tới, và hiện nay các DN tiếp tục bảo đảm nhập đủ 30% hạn mức tối thiểu xăng dầu còn lại thì nguồn cung xăng dầu không thiếu.
Không để "khoát nước theo mưa"
Sau khi Bộ Công Thương phát đi thông điệp không tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng cho biết trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2011, giá các mặt hàng gồm điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch... các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục… cũng sẽ được giữ ổn định. Đây là nội dung quan trọng trong 5 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá mà Bộ này mới đưa ra.
Theo ông Nguyễn Sinh Khang- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện NMLD Dung Quất hoạt động khá ổn định, nguồn xăng Dung Quất rất khả quan, mỗi tuần sản xuất khoảng 200.000m3 xăng dầu, cùng lúc tồn kho tại Dung Quất khá bảo đảm, chiếm khoảng 25% tổng sức chứa. Trong năm 2010 có 10/11 DN đầu mối lấy hàng tại Dung Quất với số lượng vượt cam kết ban đầu. Năm 2011, Cty lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã ký hợp đồng với các DN đầu mối, bảo đảm cung cấp đủ nguồn đã ký hợp đồng. Ông Khang cam kết, từ nay đến hết quý 1/2011, sẽ cố gắng đảm bảo cho NMLD Dung Quất hoạt động tốt và chạy hết công suất. |
Ông Thỏa cũng cho biết, ngoài việc giữ ổn định giá các mặt hàng, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các bộ ngành tăng cường kiểm soát giá các nhóm mặt hàng để ngăn chặn hiện tượng tăng giá kiểu "té nước theo mưa". Từ 1/1/2011, trong báo cáo thường kỳ của mình, các sở Tài chính địa phương phải bổ sung thêm nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời, các đơn vị này phải đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương…
Tại cuộc họp trực tuyến về thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác kiểm soát giá cả, bảo đảm cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các hành vi liên kết độc quyền nâng giá trái pháp luật, thu lợi bất chính; các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm pháp luật về quản lý và chấp hành quy định về giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, sữa, đường ăn, sắt, thép, vật liệu xây dựng…
Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập trung tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong khâu SXKD để bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, nhất là tại các vùng, địa phương bị bão, lụt; theo dõi sát tình hình lưu thông hàng hoá trên địa bàn, giữa các vùng, miền nhằm bảo đảm thông suốt, tránh ách tắc cục bộ làm ảnh hưởng đến cung cầu hàng hoá, giá cả thị trường…
Linh Lan