Án dân sự - Không bắt buộc phải “thi hành được một phần”

(PLO) - Mặc dù Nghị định 125/CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ đã rút tỷ lệ phải thi hành đối với khoản thu nộp ngân sách xuống chỉ còn 1/50 là điều kiện để được miễn giảm thi hành án (THA) song thực tế nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ hẳn quy định này.
Án dân sự - Không bắt buộc phải “thi hành được một phần”
Người quá nghèo thì nộp một đồng cũng là không tưởng
Điều kiện quan trọng để được xét miễn, giảm khoản thu nộp ngân sách Nhà nước  theo quy định tại Điều 61 Luật THADS (THADS) là người phải thi hành án “đã thi hành được một phần”. "Một phần" này, theo hướng dẫn tại Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ hướng dẫn Luật THADS là “ Người phải thi hành nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành…”. 
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhận thấy sự bất cập của quy định này, Nghị định 125/CP ngày 14/10/2013 sửa đổi Nghị định 158/CP đã “rút” xuống chỉ còn 1/50. 
Như vậy, hiện nay pháp luật hiện hành quy định điều kiện xét miễn, giảm đối với người phải THA phải “đã thi hành được ít nhất 1/50 khoản phải thi hành...” là bắt buộc. Do đó nếu như người phải THA chưa thi hành được ít nhất bằng 1/50 khoản phải thi hành thì chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm THA. 
Chính vì thế, theo Bộ Tư pháp, đối với các trường hợp mà người phải thi hành các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước trên 5 triệu đồng không thực hiện được việc xét miễn, giảm THA vì người phải THA quá nghèo, không thể thi hành được 1/50 khoản phải thi hành hoặc trường hợp không xác định được địa chỉ và tài sản của người phải THA thì không thể miễn, giảm được.
Mặc dù khoản phải thi hành đã rút xuống còn 1/50, tuy nhiên thực tế đây cũng là thách thức lớn đối với nhiều người phải THA. Theo phản ánh từ Cục THADS Hà Nội thì nhiều đối tượng đang chấp hành hình phạt tù chung thân tại trại giam, hồ sơ đã lâu năm nhưng chưa thi hành được do người phải THA không có tài sản thi hành. 
Như vậy đối với các trường hợp người phải THA thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước trên 5 triệu đồng hoàn toàn không có điều kiện thi hành, không có khả năng nộp một phần nghĩa vụ phải thi hành. Đây là thực tế của nhiều địa phương, đó là chưa kể trước đây do cơ chế cho phép Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền với hàng chục, hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là tội phạm về ma túy, trong khi người phạm tội không hề có tài sản, không có thu nhập, nhiều trường hợp sống lang thang, không rõ địa chỉ, nghiện ma túy... 
Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị bỏ hẳn quy định “người phải THA đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước”. Nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung trường hợp không xác định được địa chỉ, tài sản của người phải THA thì có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại tại Điều 61 Luật THADS và quy định rõ trong trường hợp không xác định được địa chỉ của người phải thi hành thì cũng được xét miễn, giảm THA.
Không có tài sản thì được xét miễn
Dự thảo Luật THADS sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã bổ sung các trường hợp không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải THA không còn tài sản (không có tài sản) thì được xét miễn nghĩa vụ THA đối với các khoản nộp ngân sách khi hết thời hạn 05 năm kể từ ngày ra quyết định THA lần đầu đối với các khoản nộp ngân sách.
Hiện nay, theo thống kê, việc thi hành khoản thu nộp ngân sách Nhà nước các cơ quan THADS đã ra quyết định THA trước ngày 01/7/2009 còn tồn đọng do không có điều kiện thi hành khoảng 48 nghìn việc tương ứng với số tiền khoảng 700 tỷ đồng (trong số này, Chính phủ đề nghị miễn THA khoảng 46 nghìn việc, với số tiền khoảng 339 tỷ đồng). Đây là số việc không thuộc phạm vi những việc được miễn THADS theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và cũng không đủ điều kiện xét miễn THA theo quy định tại Điều 61 Luật THADS năm 2008.
Nếu Luật THADS sửa đổi bỏ quy định thi hành một phần thì không những giúp người dân trút đi gánh nặng bị “nợ” Nhà nước (vì muốn thi hành cũng không thể khi mà họ không có tài sản để thi hành, khoản nợ này đã lưu cữu nhiều năm), còn Nhà nước cũng tiết kiệm được chi phí từ ngân sách, thời gian công sức của cơ quan THADS.
Điều kiện, mức miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước
1. Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA được thực hiện trong trường hợp sau đây:
a) Người phải THA không có tài sản để THA hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế THA hoặc tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án; không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải THA và gia đình; 
b) Không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống hoặc tài sản của người phải thi hành án; các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt mà người phải THA không còn tài sản.
c) Có căn cứ quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3, Khoản 4 của Điều này.
(Khoản 1 Điều 61 Dự thảo Luật THADS sửa đổi)