"Đấu võ mồm" gây chết người, tội gì?

(PLO) - Cuộc khẩu chiến kết thúc đi kèm theo hậu quả: Một người bị ném gạch vỡ đầu, một người bị ngất đi rồi mất mạng sau đó ít phút do chứng kiến cảnh tượng máu me loang lổ trên khuôn mặt người bị thương. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả này?  
Chồng nạn nhân tại hiện trường nơi vợ mình ngất xỉu
Chồng nạn nhân tại hiện trường nơi vợ mình ngất xỉu
Bài 2: Cái chết bất ngờ và trách nhiệm liên quan
Sau cuộc cãi vã, lại chứng kiến không mặt đầy máu me của người đang giúp đỡ mình, bà Hiền - vợ ông Phan Ga (61 tuổi, trú tại khu vực 4, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế)  bỗng nhiên ngất xỉu. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng bà không qua khỏi. 
Thương xót sự ra đi của người vắn số, nhiều người cho rằng bà Thu - người cãi vã và vác cục đá ném làm một người khác chảy máu – là thủ phạm. Bởi nếu không có cảnh tượng kinh hãi máu me do bà Thu ném đá trúng đầu người hàng xóm, thì bà Hiền đã không sợ đến nỗi ngất đi rồi chết. Do đó, bà Thu cần phải được xem xét, truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội vô ý làm chết người.
Tuy nhiên, theo luật sư, cần phân tích cấu thành tội danh này. Hành vi khách quan của tội phạm được thể hiện ở việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy tắc an toàn gây nên cái chết cho nạn nhân. Những quy tắc an toàn được quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm những quy định thành văn bản hoặc những quy tắc xử sự xã hội mà mọi người đều biết, thừa nhận và chấp hành.
Để chứng minh bà Thu vô ý làm chết người thì phải thấy rõ bà Thu đã không thực hiện quy tắc an toàn và việc này đã gây ra cái chết cho bà Hiền. Ở đây, bà Thu đã thực hiện hành vi ném đá gây thương tích cho người dìu bà Hiền. Hành vi này không phải là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. 
Mặt khác, lỗi vô ý làm chết người được thể hiện trong hai trường hợp sau: (i) người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được; (ii) Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả chết người mặc dù quy định pháp luật buộc phải thấy trước và có đủ điều kiện chủ quan và khách quan có thể thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra. 
Rõ ràng, trong cả hai trường hợp này, thì pháp luật không buộc bà Thu phải thấy trước và có thể thấy trước được hành vi ném đá vào người khác gây ra cảnh tượng máu me sẽ làm cho bà Hiền khi nhìn thấy, bị ngất đi rồi tắt thở. Từ đó, bà Thu không có lỗi vô ý gây ra cái chết cho bà Hiền. Và hành vi ném đá vào người khác của bà Thu không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết cho bà Hiền nên bà Thu không phạm tội vô ý làm chết người.
Đồng quan điểm nêu trên, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Hà Nội) nói: “Đây cũng là một cái chết hi hữu. Nhưng dưới góc độ luật thì phải nhìn nhận thật khách quan. Nguyên nhân chết là do yếu tim, nhìn thấy máu sợ đến chết ngất chứ không có bất kỳ sự tác động ngoại lực nào đến nạn nhân nên không có dấu hiệu Hình sự, không thể truy cho tội giết người trong vụ việc này”.
Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (VPLS Tràng Thi) cũng cho rằng trường hợp này rất khó quy trách nhiệm hình sự tội giết người cho bà Thu vì hành vi và hậu quả không liên quan nhau. Cái chết của nạn nhân Hiền cũng là ngoài ý muốn của bà Thu.
Có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích
Bà Thu không phạm tội. Vậy còn trách nhiệm bồi thường dân sự? Để được bồi thường trong trường hợp xảy ra thiệt hại về tính mạng, phải đáp ứng đủ các yếu tố: (i) Phải có thiệt hại xảy ra; (ii) Phải có hành vi trái pháp luật; (iii) Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; (iv) Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. 
Căn cứ 4 tiêu chí này, có thể thấy tuy có thiệt hại xảy ra (hậu quả chết người) nhưng bà Thu không phải chịu trách nhiệm bồi thường vì không đủ yếu tố chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại chết người xảy ra và hành vi trái pháp luật của mình. 
Không phải chịu trách nhiệm pháp lý trước cái chết của bà Hiền, nhưng hành vi ném đá gây thương tích cho hàng xóm đã có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích. 
Cấu thành cơ bản tội cố ý gây thương tích theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự cần có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: “Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”. Dùng đá, gạch ném người khác là trường hợp được pháp luật hình sự xác định là dùng hung khí nguy hiểm.
Từ đó, chỉ cần bà Thu ném đá gây thương tích cho nạn nhân dưới 11% theo kết luận giám định thương tật cộng với tình tiết dùng hung khí nguy hiểm thì đã cấu thành tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan công an chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. 
Do đó, nếu nạn nhân bị ném đá gây thương tích dưới 11% có đơn yêu cầu khởi tố, thì bà Thu sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nếu kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên, cơ quan công an đương nhiên sẽ khởi tố vụ án cố ý gây thương tích mà không phụ thuộc vào việc người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố hay không.
Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm Hình sự, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cũng cần phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho những người đã thực hiện hành vi đánh, chửi nhau, vi quy định về trật tự công cộng, mức phạt từ 100 ngàn đến 3 triệu đồng.
Câu chuyện pháp lý xung quanh cái chết của bà Hiền có thể khép lại. Tuy nhiên, vẫn rất cần những quy phạm đạo đức, ứng xử về tình làng, nghĩa xóm để hóa giải cho sự kiện chết người bất ngờ này. Đó mới là điều quan trọng nhất cần làm./.