Khởi kiện chủ dự án thủy điện ra tòa, tại sao không?

(PLO) -  Trước những thiệt hại quá lớn về tính mạng, tài sản... do thủy điện xả lũ gây ra, người dân cảm thấy như mình đang phải chịu một nỗi oan mà chỉ trời xanh mới thấu.
Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giúp người dân hoàn thiện hồ sơ khởi kiện nếu chủ hồ, đập không chịu bồi thường.
Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giúp người dân hoàn thiện hồ sơ khởi kiện nếu chủ hồ, đập không chịu bồi thường.
Vậy người dân bị thiệt hại do thủy điện xả lũ có thể khởi kiện  chủ nhà máy hay không? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt về vấn đề này.
- Thưa Luật sư, thiệt hại do việc xả lũ của các nhà máy thủy điện và thiệt hại do việc xả thải trái pháp luật của một số doanh nghiệp không thua kém gì nhau, trong khi nạn nhân của nhiều vụ xả thải thì đã được bồi thường còn nạn nhân các hồ thủy điện thì chưa. Theo ông, sự khác biệt giữa hai tình huống này là gì?
- Hai tình huống xả nước này có hậu quả giống nhau là gây thiệt hại cho những người nông dân sống ở hạ lưu các con sông. Khác với việc xả thải là chỉ có thiệt hại về vật chất, tài sản, việc xả lũ còn cướp đi sinh mạng con người. 
Đứng về quy mô thì rõ ràng hậu quả của xả lũ lớn hơn rất nhiều. Nhưng, sự khác biệt lớn nhất dẫn đến hiện nay các chủ hồ thủy điện chưa bị quy kết trách nhiệm và người dân cũng chưa biết kiện tụng để đòi bồi thường như thế nào chính là vai trò của thiên tai. 
Trong các vụ xả lũ, thiên tai luôn đóng vai trò là tác nhân, thậm chí luôn được coi là nguyên nhân của các cơn lũ. Do đó, khi xảy ra lũ, người ta thường đổ lỗi cho thiên tai và không điều tra lỗi của con người.
- Theo quy định của pháp luật thì chủ các hồ thủy điện phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại ngay cả khi chủ hồ không có lỗi. Theo ông, tại sao lại ít người đứng ra đòi bồi thường trong các vụ xả lũ? 
- Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự thì nhà máy thủy điện đang hoạt động có thể coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Nghị định 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập chứa của chủ hồ/đập thì trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xả lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập. 
Trong trường hợp do vận hành xả lũ hồ chứa làm dâng đột ngột mực nước tại đoạn sông suối hạ lưu công trình xả lũ, chủ đập phải có biện pháp báo động, thông báo trước để bảo đảm an toàn cho người, tàu, thuyền và phương tiện đi lại, hoạt động trên sông, suối. Chủ sở hữu hồ, đập phải bồi thường, thậm chí ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.
Trách nhiệm của chủ đập đối với việc xả lũ rất lớn và cơ hội thắng kiện của người dân vì thế cũng không nhỏ. Tuy nhiên, đến nay người dân chưa đi kiện có lẽ do chưa có tiền lệ và những người bị thiệt hại hầu hết đều không hiểu biết pháp luật và không có điều kiện để bắt đầu một vụ kiện.
Trước đây, các hộ nông dân bị thiệt hại do việc xả thải trái pháp luật  có sự hỗ trợ từ phía Hội Nông dân và các tổ chức hành nghề luật sư nên họ mới biết đường, biết lối để đi kiện. Trong vụ việc người dân miền Trung bị thiệt hại do thủy điện xả lũ, chưa có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng nên người dân cũng không biết phải bắt đầu như thế nào?
 - Theo ông, những người dân bị thiệt hại do thủy điện xả lũ phải làm những gì để đòi các chủ hồ, đập thủy điện bồi thường cho họ?
Để tiến hành một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, những người bị thiệt hại phải xác định thiệt hại, nguyên nhân gây ra thiệt hại và lập thành tài liệu, chứng cứ để trình Tòa án xem xét hoặc yêu cầu chủ hồ đập bồi thường theo thỏa thuận trước khi khởi kiện.
Thông thường, trong các vụ việc đòi bồi thường thì thiệt hại phải được định giá, giám định và phải có sự tham gia của cơ quan chức năng để đánh giá, định giá thiệt hại. Đối với việc xác định mối quan hệ giữa thiệt hại và việc xả lũ của các hồ thủy điện thì càng phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước để đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và việc xả lũ. 
Vì thế, trong các vụ việc thiệt hại do xả lũ như vừa qua, trước tiên UBND các cấp và các ngành phải vào cuộc để thực hiện việc xác định thiệt hại, đánh giá nguyên nhân và lập thành văn bản để quy kết trách nhiệm đối với chủ hồ đập. Nếu cơ quan nhà nước chưa làm những việc này thì những người bị thiệt hại rất khó lập hồ sơ để đòi bồi thường.
 - Như vậy, ông cho rằng các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giúp người dân khởi kiện?
- Do hiện nay có sự mập mờ giữa thiên tai và lỗi của con người trong các vụ xả lũ thủy điện nên việc truy cứu trách nhiệm chưa được làm triệt để. Tôi chưa thấy chủ công trình thủy điện nào phải bồi thường cũng như cơ quan Nhà nước ở địa phương giúp người dân tính toán, xác định thiệt hại và đánh giá nguyên nhân của thiệt hại. Đây là những việc quan trong nhất mà người dân không thể tự làm.
Đứng về khía cạnh quản lý nhà nước thì theo tôi, các cơ quan nhà nước quản lý ngành và địa phương phải có trách nhiệm báo cáo, đánh giá thiệt hại và nguyên nhân để xem xét trách nhiệm của các chủ hồ, đập theo quy định của pháp luật về quản lý nhà nước đối với công trình thủy điện. Về mặt dân sự, các báo cáo này là tài liệu trực tiếp phục vụ việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của người dân. Do đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giúp người dân hoàn thiện hồ sơ khởi kiện nếu chủ hồ, đập không chịu bồi thường.
- Xin cảm ơn ông!