Làm thế nào để đơn phương ly hôn chồng ngoại quốc?

(PLO) -Bạn Nguyễn Bùi Trang (Hà Tĩnh) hỏi: Em muốn ly hôn chồng người Malaysia, nhưng ông xã không đồng ý. Trước đây em và chồng đăng ký kết hôn tại Singapore. Hiện em đã về Việt Nam sống một mình được 1 năm rồi. Em muốn ly hôn gấp, cần phải làm sao?.
Hình minh họa
Hình minh họa

Luật sư Đỗ Trung Kiên (Văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) tư vấn: Việc bạn ly hôn với chồng là người nước ngoài sẽ thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài.

Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này”.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc ly hôn của bạn sẽ được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp bạn muốn ly hôn nhưng chồng bạn không đồng ý thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu ly hôn (ly hôn đơn phương). Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên. Theo đó nếu có căn cứ về việc hôn nhân của bạn lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì bạn có quyền làm đơn yêu cầu ly hôn. 

Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Căn cứ vào điểm c Khoản 1 Điều 40 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết trong trường hợp “ Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án tranh chấp về việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết”.

Trường hợp chồng bạn là người nước ngoài, không cư trú, làm việc tại Việt Nam, bạn có thể nộp đơn lên Tòa án nơi bạn cư trú hoặc làm việc. Căn cứ vào Điều 28, 37 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp bạn và chồng đăng ký kết hôn tại Singapore, bây giờ muốn ly hôn tại Việt Nam thì bạn phải hợp pháp hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn. Cơ quan có thẩm quyền hợp pháp hóa lãnh sự bao gồm: Cục lãnh sự, sở ngoại vụ TP HCM, sở, phòng, bộ phận ngoại vụ các tỉnh thành.

Hồ sơ xin ly hôn bao gồm: Đơn xin ly hôn theo mẫu; Bản chính giấy chứng nhận đăng kí kết hôn; Bản sao Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu; Bản sao giấy khai sinh của con; Giấy tờ chứng minh về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng.

Nếu thiếu một trong các giấy tờ trên (bạn chỉ nộp đơn xin ly hôn và bản chính giấy chứng nhận đăng kí kết hôn) thì Tòa án vẫn sẽ thụ lý nhưng Tòa án sẽ yêu cầu bạn bổ sung tài liệu. 

Trong trường hợp bạn không thể bổ sung được các giấy tờ mà Tòa án yêu cầu, bạn không có giấy tờ về con, bạn có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Tòa án sẽ ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Việt Nam ở Malaysia ( cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự ) hoặc cho Tòa án của Malaysia nhờ cung cấp hồ sơ, giấy tờ còn thiếu mà bạn không thể tự mình bổ sung được.

Theo quy định Luật Tương trợ tư pháp 2007, bạn là người yêu cầu ly hôn, làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài do đó bạn phải trả chi phí liên quan đến ủy thác tư pháp. Bạn có địa chỉ hiện tại của người chồng ở nước ngoài thì đây sẽ là cơ sở để Tòa án tống đạt hồ sơ, giấy tờ.