Pháp luật đăng ký tài sản cần làm rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh với Luật Đất đai

(PLO) - Theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền sử dụng đất là một trong những loại tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và đăng ký các giao dịch hoặc các quyền liên quan.
Pháp luật đăng ký tài sản cần làm rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh với Luật Đất đai

 Công tác xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận và bảo hộ các quyền về tài sản, trong đó có quyền sở hữu, quyền sử dụng, khuyến khích cá nhân, tổ chức yên tâm làm giàu cho mình và cho xã hội. Từ đó, từng bước nâng cao ý thức về tầm quan trọng, vai trò của hoạt động đăng ký tài sản, tôn trọng và bảo vệ chủ sở hữu, quyền sở hữu, quyền tài sản..., góp phần hạn chế sự can thiệp quá mức của cơ quan công quyền vào các quan hệ dân sự - kinh tế thuần túy, bảo đảm cho các quan hệ này được vận hành một cách ổn định trong nền kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tuy nhiên, chính sự phân tán của các quy định về đăng ký bất động sản tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau đã dẫn đến một số hạn chế, bất cập. Đáng chú ý, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về việc đăng ký tài sản nhưng lại để lại quá nhiều các quy định quan trọng, cốt lõi liên quan đến nguyên tắc, trật tự trong trình tự, thủ tục đăng ký tài sản cho các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Cụ thể, Bộ luật Dân sự và pháp luật đất đai đều quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Khi Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân thì phát sinh “quyền sử dụng đất” - được coi là một loại quyền đặc biệt đối với một loại bất động sản đặc biệt. Có điều, quá trình này chưa phân định rõ trong đâu là hành vi của Nhà nước “trao quyền” cho người sử dụng đất, đâu là thủ tục hành chính “ghi nhận” vào hồ sơ địa chính quyền sử dụng đất đó.

Bởi thế, việc hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản tới đây cần làm rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh với Luật Đất đai. Theo đề xuất của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, pháp luật về đất đai sẽ tập trung giải quyết những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai (với ý nghĩa là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, tư liệu sản xuất quan trọng) như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường trong trường hợp thu hồi đất; quản lý việc sử dụng nguồn lực đất đai; các điều kiện, hạn chế giao dịch bằng quyền sử dụng đất; đăng ký các biến động đất đai liên quan đến hiện trạng, tình trạng vật lý của đất đai...

Còn pháp luật về đăng ký tài sản thì quy định những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đăng ký như các tài sản là đối tượng đăng ký; nguyên tắc đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký, hồ sơ đăng ký, sổ đăng ký, giấy chứng nhận đăng ký, cung cấp thông tin về tài sản, nội dung đăng ký; cơ chế xây dựng dữ liệu và khai thác thông tin về tài sản, thủ tục đăng ký đối với bất động sản, quyền và nghĩa vụ của cơ quan đăng ký, cán bộ đăng ký…