Quy trình giám định nghi can hiếp dâm

(PLO) - Khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử bị cáo về tội danh gì thì cần phải có kết luận giám định pháp y và những vật chứng có liên quan để làm căn cứ, khẳng định ai là người thực hiện hành vi và phạm tội gì. Công việc giám định pháp y đối với các tội xâm hại tình dục đã không còn là “bí mật” nếu hiểu về nội dung Thông tư 47/2013/TT-BYT.
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Các cơ quan giám định gồm Viện Pháp y quốc gia, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, các Trung tâm Pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Hồ sơ giám định xâm hại tình dục, giám định nghi can hiếp dâm gồm: Quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định; Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến giám định; Các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y; Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng. 
Khi giám định nạn nhân bị xâm hại tình dục, nếu là trẻ em dưới 13 tuổi phải có người giám hộ, gồm các bước khám tổng quát, khám cơ quan sinh dục, khám hậu môn, khám hầu họng, khám toàn thân, khám chuyên khoa
Khi giám định nghi can hiếp dâm, gồm các bước khám tổng quát, khám quần áo, dấu vết (Xem xét tóc; Quần áo, dấu vết rách, vết bẩn, dấu vết sinh học; Khám toàn thân về dấu vết của chống cự như vết cào, cắn...), khám bộ phận sinh dục, khám toàn thân, khám chuyên khoa
Nội dung kết luận giám định xâm hại tình dục, giám định nghi can hiếp dâm bao gồm: Các dấu vết thu thập được (khám lâm sàng, cận lâm sàng. Không kết luận nạn nhân bị hiếp dâm hoặc không bị hiếp dâm, chỉ nêu dấu vết có tính chất định hướng).
Văn bản này cũng chú ý, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần:
- Khai báo nhanh chóng, thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng. Tránh tình trạng sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội. Bởi khi đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi.
- Tránh trường hợp khi biết sự việc thì phía gia đình bị hại và gia đình bị cáo tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, sau đó do không thống nhất được mức bồi thường nên bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội, nhưng việc khai báo sau đó không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án nên việc điều tra và nhận định các chứng cứ gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
- Cần nhận thức đúng hành vi giao cấu với trẻ em là vi phạm pháp luật. Tránh trường hợp trường hợp gia đình của người bị hại và người phạm tội tổ chức đám cưới cho hai người, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành giao cấu với người bị hại. Do đó gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội./.