Thủ tục yêu cầu thi hành án ra sao?

(PLO) -  Tòa án nhân dân (TAND) huyện xét xử và tuyên buộc người gây ra thương tích phải bồi thường cho tôi 17 triệu đồng. Bản án sau đó có hiệu lực thi hành. Nhưng đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, người phải thi hành án vẫn chưa trả tiền bồi thường. Phải làm gì để được thi hành án?.
Thủ tục yêu cầu thi hành án ra sao?
Anh Hà Tuấn Tú (tỉnh Lạng Sơn) hỏi: Đầu năm vừa qua, tôi bị một người hàng xóm đánh gây thương tích hơn 20%, phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Vụ việc sau đó được Tòa án nhân dân (TAND) huyện xét xử và tuyên buộc người gây ra thương tích phải bồi thường cho tôi 17 triệu đồng. Bản án sau đó không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực thi hành. Nhưng đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, người phải thi hành án vẫn chưa trả tiền bồi thường cho tôi mặc dù gia đình họ có dư dả của cải để thi hành án. Trường hợp này, tôi phải làm gì để được thi hành án? Thủ tục ra sao?
-Luật gia Minh Anh (Bộ Tư pháp) trả lời:  Theo quy định của pháp luật thì đối với những bản án, quyết định về bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần phải được thi hành ngay mặc dù bản án hoặc quyết định đó có thể bị kháng cáo, kháng nghị (Điểm a Khoản 2 Điều 375 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
Trường hợp của anh, sau khi bản án của TAND huyện đã có hiệu lực pháp luật thì bị đơn dân sự phải thi hành quyết định của bản án này, có nghĩa là họ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho anh. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, anh có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án (đơn yêu cầu có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án.
Đơn yêu cầu thi hành án của anh phải có các nội dung chính sau đây: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định trên, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.  
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Sau thời gian này mà đương sự không tự nguyện thi hành án thì gia đình anh có thể yêu cầu cơ quan thi hành cưỡng chế việc thi hành án.