Tòa có được phép "xử nằm" bị cáo?

(PLO) - Dù bác sỹ đã kết luận: Sức khỏe bị cáo bình thường, nhưng bị cáo từ chối mọi câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa. Trong trường hợp này, tòa phải làm thế nào? Luật có cho phép phiên tòa tiếp tục diễn ra hay không? Vấn đề này đang được dư luận hết sức quan tâm. 
 Tòa có được phép "xử nằm" bị cáo?
Sự việc này xảy ra tại phiên tòa xét xử vụ án “trộm dê” đang được TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xét xử vào ngày 09/01/2014 và kéo dài trong nhiều ngày. Bị cáo bị truy tố trong vụ án này là bà Trần Thị Kim Nguyệt  (trú thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). 
Không phải lần đầu
Việc bị cáo từ chối khai báo, nằm vật vạ trong phòng xử án, không phải lần đầu diễn ra trong các phiên tòa hình sự ở nước ta. Trước đây cũng từng có trường hợp, bị cáo cho rằng mình không phạm tội, bị oan nên đập đầu vào vành móng ngựa hoặc bất ngờ “ngất xỉu”, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của HĐXX, đại diện VKS. 
Gần đây nhất là trường hợp của bị cáo Đặng Trần Hoài, bị VKS TP.Hà Nội truy tố về hai tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”. Cuối năm 2012, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án này ra xét xử và HĐXX cũng khá vất vả với bị cáo này. 
Theo báo chí đăng tải vào thời điểm đó, trong suốt phiên xử, bị cáo này la hét, khóc lóc, nằm vật xuống đất không trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS. Sau khi cho bác sỹ kiểm tra sức khỏe, xác định bị cáo bình thường nên HĐXX tiếp tục phiên tòa, công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên án tử hình đối với bị cáo này về hai tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”.
Trở lại với vụ án “trộm dê” ở huyện Bắc Bình, theo thông tin từ báo chí, ngày 10/01/2014, do bị cáo Nguyệt (đang tại ngoại) không đến tòa nên HĐXX đã cử tổ công tác xác minh và biết bị cáo đang truyền dịch tại trạm y tế thị trấn Lương Sơn. Sau đó, HĐXX trưng cầu một bác sỹ thuộc bệnh viện đa khoa Bình Thuận đến khám cho bị cáo và xác định sức khỏe bình thường nên tòa  tiếp tục phiên xử. 
Sau buổi xét xử hôm đó, HĐXX ra quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc xét xử. Mấy ngày tiếp theo, phiên tòa diễn ra trong tình trạng hết sức căng thẳng: Bị cáo nằm bất động trên ghế xếp, không nghe, không trả lời HĐXX; còn HĐXX thì lần lượt công bố từng lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra. Đến phần tranh luận, chỉ có VKS và các luật sư của bị cáo tranh luận, còn bị cáo vẫn im lặng, nằm trên ghế xếp.
Luật cho phép xử  
Về nguyên tắc, khi bị cáo thông báo không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa thì HĐXX sẽ cho bộ phận y tế kiểm tra sức khỏe. Nếu cán bộ y tế kết luận, bị cáo không đảm bảo sức khỏe tham dự phiên tòa thì HĐXX sẽ quyết định hoãn phiên tòa. Trong trường hợp, cán bộ y tế kết luận bị cáo vẫn đủ sức khỏe thì tòa tiếp tục xét xử. Do vậy, ý kiến kết luận của cán bộ y tế là căn cứ quan trọng để HĐXX đưa ra quyết định. 
Nếu bị cáo cố tình giả bệnh thì trong trường hợp này bị xem là cố tình gây khó khăn cho hoạt động xét xử, tòa án có thể căn cứ vào điều 79, 80, 88 BLTTHS để ra quyết định bắt bị cáo tạm giam. Trường hợp của bị cáo Nguyệt trong vụ án “Trộm dê” được HĐXX nhận định theo hướng này nên đã ra lệnh bắt tạm giam dù bị cáo nằm bất động trên ghế xếp. Nếu thật sự bị cáo Nguyệt giả vờ bệnh thì việc ra quyết định bắt tạm giam của HĐXX trong trường hợp này là phù hợp với quy định pháp luật. 
Về việc bị cáo Nguyệt từ chối khai báo tại tòa, theo quy định tại điều 209 BLTTHS, HĐXX, KSV giữ quyền công tố tại phiên tòa có quyền công bố lời khai của bị cáo, bị hại, người liên quan và các vật chứng, tài liệu khác để phục vụ cho việc xét xử. 
Hơn nữa, để xác định sự thật của vụ án, ngoài lời trình bày của bị cáo, HĐXX còn phải căn cứ vào các chứng cứ khác được thu thập hợp pháp trong quá trình điều tra, truy tố. Do vậy, bị cáo không chịu khai báo ở tòa thì HĐXX vẫn có quyền sử dụng các chứng cứ khác để xác định bị cáo có tội hay không có tội. Vì vậy, theo quan điểm tôi, trong mọi trường hợp, bị cáo (và cả những đương sự khác), không nên từ chối trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, luật sư tại phiên tòa. 
Nếu thấy rằng, bản án của Tòa xét xử đối với mình là không đúng người, đúng tội, bị cáo có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm. Không nên vì không hài lòng với các cơ quan tiến hành tố tụng mà phản ứng tiêu cực như vậy. Điều này không những không giúp được gì cho bị cáo mà đôi khi còn “lợi bất cập hại”.