Từ 1/6 tới, xe máy điện cũng phải đăng ký

(PLO) - Thông  tư số 15/2014/TT-BCA khẳng định, từ ngày 1/6 tới, xe máy điện phải đăng ký mới được phép lưu thông. Thế nhưng, nhiều cửa hàng không biết gì về quy định này. Còn khách không mấy người biết loại xe mình mua là xe máy điện hay xe đạp điện. 
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
“Xe của tôi có phải đăng ký không?”
Chị Nguyễn Thanh Thúy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đi đến cửa hàng thứ 3 trên phố Tôn Đức Thắng mà không mua được chiếc xe ưng ý. “Tôi không rõ chiếc xe tôi thích là xe đạp hay xe máy, hỏi cửa hàng thì người bán cũng mù mờ. Khi tôi yêu cầu hóa đơn tài chính và giấy tờ nguồn gốc của chiếc xe, cửa hàng nhìn tôi như từ trên trời rơi xuống. Có lẽ tôi sẽ phải bỏ loại phương tiện “nửa dơi, nửa chuột” để mua một chiếc xe máy giá rẻ” - chị Thúy nói.
Theo giải thích tại Nghị định 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, “xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h”. 
Còn xe đạp điện được xác định trong khái niệm “xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được..”. 
Thế nhưng, nhìn chiếc xe mới mua cách đây chưa lâu, chị Thu Chung (Thụy Khuê, Hà Nội) không khỏi ngao ngán bởi  xe của chị có thiết kế chạy được tới 50km, trong khi vẫn có hệ thống bàn đạp để đạp xe khi tắt máy.
Quy định về đăng ký xe máy điện sẽ tác động lớn đến hàng triệu người dân đã và đang có nhu cầu sử dụng xe máy điện, ở cả đô thị và nông thôn. 
“Khóc dở, mếu dở” vì không thể đăng ký xe
Đây không phải lần đầu quy định về đăng ký xe máy điện được nhắc tới tại các văn bản pháp luật. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 thì xe máy điện phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
 Việc đăng ký cấp biển số xe máy điện đã được quy định và thực hiện từ năm 2009 tại Thông tư số 06/2009/TT-BCA ngày 11/3/2009 của Bộ Công an,  tại Thông tư số 36/2010/TT-BCA và giờ đây Thông tư số 15/2014/TT-BCA tiếp tục kế thừa quy định đăng ký quản lý đối với loại xe này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, chính vì điều đó mà Thông tư 15 mới có hướng dẫn: “Xe điện đã sử dụng trước ngày 1/7/2009 không có chứng từ nguồn gốc hoặc những chứng từ nguồn gốc không đảm bảo theo quy định, nếu chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì được giải quyết đăng ký, cấp biển số”. Các xe sử dụng từ ngày 1/7/2009 thì đương nhiên đã phải tuân thủ quy định xe máy điện phải có giấy tờ đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định tại Thông tư số 36/2010/TT-BCA thì mới được giải quyết đăng ký.
Hồ sơ đăng ký xe bao gồm Giấy khai đăng ký xe, giấy tờ của chủ xe, giấy tờ của xe. Trong đó, giấy tờ của xe quan trọng nhất đối với xe mới chính là hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, nhưng vấn đề sẽ khiến người mua gặp khó chính là nguồn gốc và hóa đơn mua hàng. Nhiều cửa hàng quả quyết không thể có hóa đơn cho người mua bởi hóa đơn đầu vào của họ tính cho lô xe gồm nhiều chiếc. 
“Nếu phải đăng ký, tôi làm gì có giấy tờ xe,  khi mua cũng chỉ lấy một tờ biên lai bán hàng ghi giá nguệch ngoạc và không giữ nó do giá trị chiếc xe không lớn, và cũng không biết phải lấy giấy tờ phù hợp với quy định để đăng ký xe” – chị Thu Chung nói.