Giải mã “cơn ác mộng” của sinh viên ĐH

(PLO) - Từ THPT lên đại học, học sinh, sinh viên đều có tư duy môn Giáo dục thể chất hay còn gọi là môn thể dục, chỉ là môn phụ đơn thuần để rèn luyện sức khỏe. Vì thế, 100% người“choáng” với những yêu cầu của môn này ở đại học. Thậm chí với nhiều sinh viên, đây thực sự là “cơn ác mộng” không bao giờ chấm dứt.
Chỉ 30% sinh viên cho rằng Giáo dục thể chất là môn cuốn hút hấp dẫn.
Chỉ 30% sinh viên cho rằng Giáo dục thể chất là môn cuốn hút hấp dẫn.

Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Trong 30 năm qua, người Việt có cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164cm, thua 8cm so với Nhật Bản và 10cm so với Hàn Quốc. 

Để thay đổi thể trạng “chú lùn” này thì ngoài việc ăn uống, chuyện tập luyện thể thao cũng rất quan trọng bởi Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. 

Công bằng mà nói, người Việt Nam đã làm quen với thể dục từ nhỏ, từ những buổi sáng ra chân ngoáy tay, vung chân cùng các cô mẫu giáo và những yêu cầu của môn thể dục cứ thế nâng dần lên theo các cấp học để đến khi vào đại học, thể dục trở thành môn học không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn có thể ảnh hưởng đến cả quá trình học tập nếu tập luyện không tốt. Hay nói cách khác học thể dục ở bậc đại học rất quan trọng, nhưng…

Đá bóng không khí và khiêu vũ chân trần

Trên bản tin của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), các sinh viên đã chia sẻ với nhau một bài viết, trong đó họ kể câu chuyện học giáo dục thể chất ở nhiều trường đại học hiện nay tuy cũng có đủ cả các loại hình như bóng đá, khiêu vũ, cờ vua, bóng chuyền, bóng rổ... nhưng đa số vẫn là đá bóng tưởng tượng, khiêu vũ chân trần... 

Do thiếu đầu tư nên sinh viên phải học bóng đá… không có bóng như chia sẻ của giáo viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho thấy dù nhà trường đầu tư nhiều tiền nâng cấp khu tập đa năng gồm sân bóng, đường chạy, sân cầu lông, sân bóng bàn và có kinh phí hàng năm để mua dụng cụ học tập cho môn Giáo dục thể chất, nhưng do sinh viên số lượng quá đông nên cũng có khi sinh viên phải học “chay” vài buổi môn bóng đá do không có bóng. 

Giáo viên bảo nói với sinh viên cứ tưởng tượng dưới chân mình là một quả bóng và tập... sút, vậy là sinh viên đành nhắm mắt tưởng tượng rồi vung chân đá vào không khí. 

Cảnh sinh viên phải đi học nhờ thể dục cũng không hiếm tại các trường ĐH. Do không có sân tập riêng nên sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN) phải sang học nhờ sân của Học viện Kỹ thuật Mật mã; sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) phải sang sân của Trường ĐHSP Nhạc - Họa Trung ương để học nhờ; Trường ĐH Luật Hà Nội phải đi thuê địa điểm học ở tận sân Mỹ Đình vừa tốn kinh phí lại nguy hiểm cho cả thầy và trò trên đường di chuyển đến nơi tập luyện. 

Theo lời ông Ngô Khánh Thế - Trưởng Bộ môn Giáo dục thể chất Trường ĐH Luật Hà Nội: Nhiều trường tuy có địa điểm tập, nhưng cũng không đủ cho tất cả các bộ môn, nên mới có chuyện bi hài khiêu vũ chân trần như ở Trường ĐH Ngoại thương có một phòng tập sử dụng cho tất cả các môn Giáo dục thể chất, từ cầu lông, bóng chuyền và cả quốc tế vũ. 

Mặt sân được lót một lớp chất dẻo đặc biệt rất phù hợp để tập cầu lông hay bóng chuyền nên nhà trường yêu cầu sinh viên không được đi guốc cao gót vào sân khiến sinh viên đành đi chân đất để tập khiêu vũ, trong khi đó bộ môn khiêu vũ yêu cầu sàn tập phải có độ trơn nhất định để nữ đi giày cao gót, nam đi giày tây mới đảm bảo được các kỹ thuật bước nhảy. – ông Thế cho biết thêm.

Khỏe học đã khổ, yếu càng nản hơn

Vẫn biết rằng nhu cầu, khả năng về thể lực, thể thao không phải ai cũng giống ai bởi có người khỏe, người yếu nên mới có chuyện “đối với sinh viên có thể lực yếu hay không có năng khiếu thể dục thì việc học môn Giáo dục thể chất là cơn ác mộng vì phải rất vất vả để có thể vượt qua điểm trung bình khi phải thi kết thúc môn học vào cuối kỳ”- như lời phát biểu của ông Đinh Quang Tuấn – Phó trưởng Khoa kiến thức giáo dục thể chất – Học viện Báo chí tuyên truyền tại hội thảo “Xây dựng chương trình môn học Giáo dục thể chất theo Thông tư số 25/2015/TTBGDĐT” do Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức mới đây. 

Theo ông Tuấn, đến nay vẫn chưa có một giải pháp tối ưu thích hợp cho việc áp dụng bộ môn Giáo dục thể chất từ phía Bộ Giáo dục – Đào tạo, nhà trường, thậm chí ngay cả từ những người có chuyên môn giảng dạy môn học này. 

Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hùng – Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học KHXHNV từng nói: “Muốn phát huy tính hiệu quả cao của môn học Giáo dục thể chất với sinh viên hiện nay nên lựa chọn môn học phù hợp với thể trạng, chuyên ngành cũng như giới tính của đại đa số sinh viên từng trường cụ thể”. 

Chẳng hạn, trường nào có nhiều nữ sinh thì cho học cầu lông, bơi lội, thể dục nhịp điệu; trường có nhiều nam sinh thì cho học điền kinh, bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá… Có như thế, thể lực các sinh viên mới tốt lên thay vì ốm rũ người ra sau những giờ học Giáo dục thể chất. Chủ trương “người nào, sức khỏe nào, thể thao ấy” cũng đã được nhiều trường áp dụng nhưng lại nảy sinh nhiều bất cập. 

“Ví dụ như trong môn điền kinh, chỉ tiêu đánh giá chung không phù hợp với khả năng sức khỏe và thể lực của nhóm sinh viên sức khỏe yếu, nên giáo viên nhiều lúc phải nâng đỡ, dẫn đến mục tiêu giáo dục thể chất cho nhóm sinh viên có sức khỏe yếu không đạt được mục đích của yêu cầu đào tạo” – cô Biên cho biết. 

Trường ĐH Luật Hà Nội đã và đang cải cách cấu trúc chương trình giảng dạy giáo dục thể chất để nhóm sinh viên sức khỏe yếu cũng có cơ hội luyện tập thể thao thông qua hai môn học cờ vua và yoga. Lại nói chuyện sinh viên học cờ vua, cũng không ít bi hài. 

Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) chủ trương đưa môn này vào chương trình vì phù hợp với đặc thù của trường chủ yếu là sinh viên nữ. Tuy nhiên, do ghép chung với nội dung Lý thuyết Giáo dục thể chất vào một học kỳ nên thời gian học quá ngắn, chỉ có 8 buổi, tương ứng với 16 tiết nên chỉ dạy các em giải thế cờ cơ bản. 

Do đó, mới có chuyện sinh viên trước khi học môn cờ vua không hề biết chơi cờ, mà học xong môn vẫn không biết chơi, thậm chí vẫn chưa nhận được mặt quân cờ bởi vì các thầy chỉ dạy giải thế cờ trên giấy. Sinh viên cứ học thuộc một số thế cờ mẫu mà các thầy dạy là đi thi làm được bài.

Không dạy những gì thầy cô có, mà dạy những gì sinh viên cần?

Theo con số khảo sát do ông Đinh Quang Tuấn – Phó trưởng Khoa kiến thức giáo dục thể chất – Học viện Báo chí tuyên truyền đưa ra, chỉ 30% sinh viên cho rằng Giáo dục thể chất là môn cuốn hút hấp dẫn, còn lại đều khẳng định nó rất nhàm chàn, nếu không muốn nói là môn học “hành xác” bởi nhiều người học xong chẳng những không khỏe mà còn yếu đi, thậm chí ngất ngay trên sân tập. 

“Việc tạo tâm lý thoải mái cho sinh viên khi học thể dục thể thao cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Muốn vậy, phải làm cho người ta hiểu học để làm gì, người ta có lợi ích gì, học cái nào cho phù hợp. Các môn thể thao nếu được lựa chọn theo sở thích, phù hợp với năng lực và thể lực cá nhân con người thì sẽ trở thành niềm vui, thậm chí là đam mê. Ngược lại, nó sẽ là sự chịu đựng, thậm chí nỗi sợ hãi nếu sinh viên phải học những thứ mà họ không có khả năng, vượt quá sức chịu đựng của cơ thể” – ông Tuấn nếu quan điểm. 

Chính là lẽ trên mà ý tưởng dạy Giáo dục thể chất nên theo hướng “không dạy những gì thầy cô có, mà dạy những gì sinh viên cần” đang được nhiều người quan tâm, bàn bạc. 

Hiện nay ở các trường ĐH không những sinh viên không được chọn học môn thể dục mà mình yêu thích, mà nếu có được chọn cũng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài môn quen thuộc như bóng chuyền, chạy, khiêu vũ thể thao, bóng rổ… Bên cạnh đó, tư duy muốn sinh viên biết nhiều môn thể thao mà khung chương trình được xây dựng với 5 môn thể thao khác nhau trong 5 kỳ dẫn đến tình trạng “môn nào cũng biết nhưng thực ra không biết gì”. 

Một vấn đề khác nữa là cách giảng dạy môn thể dục không tạo được hứng thú cho sinh viên. Không phải sinh viên nào cũng ghét môn thể dục, thậm chí nhiều người còn có năng khiếu vận động, hứng thú với tập luyện, nguyên nhân ở đây là cách giảng dạy của giáo viên chưa tạo hứng thú. 

Hầu hết các giáo viên chỉ dạy vài động tác cơ bản tiêu biểu nhất của môn thể thao rồi cho học sinh tự tập mà không hề giới thiệu đến những quy tắc cho nên hầu hết học sinh đều chẳng biết động tác mình đang tập có mục đích và tác dụng như thế nào trong môn thể thao đó… 

Nói tóm lại, hiểu được lý do sinh viên sợ học môn Giáo dục thể chất thì mới có cách để khắc phục tình trạng dạy và học. Thể dục thể thao đúng cách giúp ích rất nhiều cho việc học văn hóa trên lớp. Thể dục thể thao góp phần tạo nên một thế hệ trẻ khỏe mạnh cho đất nước. Chính vì vậy thay đổi cách dạy và học môn Giáo dục thể chất chính là một nhiệm vụ quan trọng không thể thờ ơ được!

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình theo chương trình môn học Giáo dục thể chất để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập; tổ chức cập nhật, đánh giá chương trình môn học Giáo dục dục thể chất theo quy định hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn…

Giảng viên và người học có quyền từ chối không tham gia giảng dạy, học tập khi các điều kiện an toàn được xác định trong chương trình môn học Giáo dục thể chất không đảm bảo. (Trích Điều 8 Thông tư số 25/2015/TT-BGDĐT quy định về chương trình môn Giáo dục thể chất thuộc các chương trình giáo dục đại học).

Đọc thêm