Dạy nghề cho phụ nữ tại Trung tâm dạy nghề huyện Tiên Lãng. |
Mỗi năm 1 triệu nông dân được đào tạo nghề
Ngày 27-11-2009, Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 bình quân mỗi năm đào tạo hơn 1 triệu lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập lao động nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đào tạo nghề, mỗi năm 100.000 cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính, điều hành kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề tối thiểu 2-3 triệu đồng tùy từng nghề, thời gian học nghề và diện được hưởng. Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề 1 lần theo chính sách. Riêng những người học nghề theo chính sách này mà mất việc do nguyên nhân khách quan thì được xem xét hỗ trợ học nghề chuyển đổi nhưng không quá 3 lần. Đối với giảng viên, giáo viên dạy nghề, nếu thường xuyên xuống thực địa giảng dạy trên 15 ngày trong tháng sẽ được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung.
Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2009-2010, tiếp tục dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn và thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 18.000 người, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề theo các mô hình này tối thiểu đạt 80%. Giai đoạn 2011-2015, đào tạo nghề cho khoảng 5,2 triệu lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã. Đề án sẽ đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn vào giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề ở giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ chuyển mạnh từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng và cả nước.
Điểm tựa vững chắc đối với nông dân mất đất
Theo Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Đặng Văn Tâng, lao động nông thôn chiếm 54% dân số Hải Phòng, trong đó chỉ có 20-25% có việc làm. Khoảng 300 nghìn lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề; 3.300 cán bộ, giáo viên có nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực dạy nghề. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, ngày càng nhiều lao động nông thôn mất đất, không có việc làm. Nhu cầu đào tạo nghề, việc làm đối với lao động nông thôn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Thực hiện đề án, Hải Phòng chọn 2 huyện Vĩnh Bảo và An Dương làm thí điểm, bởi đây là 2 địa phương có diện tích canh tác bị thu hồi lớn. Sở hướng dẫn các quận, huyện tiến hành điều tra, khảo sát dự báo nhu cầu và xây dựng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Có 5 giải pháp chính được đưa ra để đề án sớm đi vào cuộc sống: Nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án ở các cấp hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ.
Tại hội nghị quán triệt, triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành khẳng định: “Đào tạo nghề dựa trên cơ sở gắn kết 4 nhà: nhà trường, nhà nông, nhà quản lý và doanh nghiệp. Nguồn lực thực hiện đề án là từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách, doanh nghiệp khi thu hồi đất, các nguồn tài trợ và nguồn vay khác. Đề án là một trong những giải pháp ổn định cuộc sống nông dân, bảo đảm an sinh xã hội”./.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2003-2008, gần 5.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ 625 dự án công nghiệp, đô thị, thương mại. Gần 49.000 hộ dân phải di dời với hơn 64.000 nhân khẩu. Theo đó, nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng cấp thiết.
|
Thanh Thủy