"Giải quyết hàng tồn kho, nhà nước, nhân dân và DN phải cùng làm"

"Chúng tôi nghĩ trách nhiệm xử lý và giải quyết hàng tồn kho không phải riêng của Chính phủ, cũng không phải riêng của xã hội, trước hết bản thân DN phải chủ động, phải tìm được biện pháp để tự mình thoát ra khỏi khó khăn; tất nhiên không phải DN nào cũng có thể làm được, các DN vừa rồi rất cố gắng nhưng phải cố gắng hơn nữa. Đó là câu chuyện nhà nước, nhân dân, DN cùng phối hợp", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.

Câu chuyện hàng tồn kho đã là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính Phủ. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ:

"Vấn đề giải phóng hàng tồn kho là một trong những trọng tâm Chính phủ, Quốc hội đang chỉ đạo các bộ, các ngành trong đó có Bộ Công Thương. 5 tháng vừa qua, tỷ lệ hàng tồn kho tăng tương đối lớn so với cùng kỳ của năm ngoái trong đó có xi măng, thép, những sản phẩm điện tử dân dụng, một số mặt hàng tiêu dùng. Tồn kho tăng khoảng 20 - 25% so với tháng 5 năm 2011, đây là một trong những việc bức xúc. 
Về phía Bộ Công thương đã đề xuất nhiều giải pháp, ví dụ về gạo: năm 2012, với diễn biến không được thuận lợi của thị trường gạo thế giới, căn cứ vào tình hình thực tế và đề nghị của Hiệp hội lương thực, Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công Thương thì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, thực hiện trong thời gian đến 30/4.
Vừa qua Hiệp hội lương thực triển khai rất tích cực, đã hoàn thành việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vào ngày 15/4, trước thời hạn 15 ngày, góp phần giữ được giá lúa, gạo ở trong nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, ổn định và đảm bảo được mức 30% tối thiểu có lợi cho người nông dân.  
Việt Nam đã hoàn thành việc mua dự trữ 1 triệu tấn gạo
Về dự trữ muối, Bộ NN&PTNT được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao cho TCty Lương thực miền Bắc mua tạm trữ 1 năm 200 nghìn tấn muối của diêm dân để phục vụ cho nhu cầu muối trong nước và phục vụ làm muối iốt cho đồng bào miền núi, đồng bào các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần tiêu thụ thêm muối cho diêm dân. 
Riêng về công nghiệp thì một năm qua chúng tôi tích cực thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện nay, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có ba phần: xúc tiến trong nước, xúc tiến xuất khẩu và xúc tiến thị trường miền núi, biên giới. Chúng tôi cũng đang tích cực thực hiện chương trình này để có thể góp phần cho các DN tiêu thụ được sản phẩm.
Hai là, tăng cường hơn nữa hiệu quả thực chất của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hạn chế nhập khẩu hàng không cần thiết để các DN có thể tiêu thụ hàng hóa của mình.
Thứ ba, cùng với biện pháp đồng bộ về tài chính, về chính sách tài khóa, về đầu tư, chúng tôi nghĩ nếu phối hợp đồng bộ thì tồn kho của những mặt hàng này sẽ được giảm dần. Chúng tôi nghĩ trách nhiệm xử lý và giải quyết hàng tồn kho không phải riêng của Chính phủ, cũng không phải riêng của xã hội, trước hết bản thân DN phải chủ động, phải tìm được biện pháp để tự mình thoát ra khỏi khó khăn; tất nhiên không phải DN nào cũng có thể làm được, các DN vừa rồi rất cố gắng nhưng phải cố gắng hơn nữa. Đó là câu chuyện nhà nước, nhân dân, DN cùng phối hợp."
Việt Hòa (ghi)

Đọc thêm