Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2009: Gây sốc?

Không chỉ có thơ mất mùa - như chính đề xuất gây tranh luận trước đó của Ban sơ khảo - mà lần đầu tiên, giải thưởng Hội Nhà văn VN đã để trống gần như tất cả các hạng mục: Văn xuôi, thơ, dịch thuật; chỉ duy nhất tập tiểu luận phê bình "Tản mạn nghiệp văn" của nhà văn Đinh Quang Tốn là đoạt giải thưởng chính thức. Một kết quả gây sốc!

Không chỉ có thơ mất mùa - như chính đề xuất gây tranh luận trước đó của Ban sơ khảo - mà lần đầu tiên, giải thưởng Hội Nhà văn VN đã để trống gần như tất cả các hạng mục: Văn xuôi, thơ, dịch thuật; chỉ duy nhất tập tiểu luận phê bình "Tản mạn nghiệp văn" của nhà văn Đinh Quang Tốn là đoạt giải thưởng chính thức. Một kết quả gây sốc!

“Cho tôi một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh) -  Giải vàng Sách hay 2009 của Hội Xuất bản,
nhưng lại thiếu đúng “một vé” để được trao giải thưởng chính thức theo nguyên tắc “quá bán”.

Ngay lập tức, công bố đã nhận được nhiều dư luận trái chiều. Báo Lao Động ghi lại một vài ý kiến trong số đó:

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: "Bất bình thường!". "Cái bất bình thường nhất ở đây theo tôi là tương quan giữa các thể loại, khi chất lượng văn, thơ, dịch thuật trong năm qua dù có thể là không được như mong muốn, nhưng cũng không thể nói là thua kém lý luận phê bình - một mảng xưa nay yếu và không dễ gì "chọn mặt gửi vàng".

Nói cách khác, nếu lý luận phê bình có giải, thì không có lý gì văn xuôi, thơ, dịch thuật lại phải ra về tay trắng. Đồng ý, một giải thưởng mỗi năm có thể bỏ trống một hạng mục nếu xét thấy chất lượng tác phẩm quá yếu (như Hội Nhà văn Hà Nội năm ngoái đã để trống giải phê bình và năm nay là thơ), nhưng nếu bỏ trống đến những 2 - 3 trên tổng số 4 hạng mục thì quả là không nên một chút nào!

Đến "to" như giải Oscar, Grammy mà có năm nào người ta chịu bỏ trống một hạng mục nào đâu! Hay giả như bên bóng đá cũng vậy, vô địch thì vẫn cứ là vô địch, vì nó là nằm trong khuôn khổ của một năm, một giải. Không ai lại đi đặt lên bàn cân giữa năm nay và năm khác để xét giải cho một năm cả!".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN - thành viên Ban sơ khảo - nơi đầu tiên đưa ra đề xuất "để khuyết giải thưởng thơ": "Bình thường!". Không thể so sánh giải Hội Nhà văn VN với Oscar và Grammy, vì cả hai giải thưởng đó đều được đặt trên một nền tảng rất vững: Một nền điện ảnh/âm nhạc phát triển và một công nghệ sản xuất hàng đầu, nên cho dù chất lượng năm nay có đuối hơn một chút so với năm kia thì luôn luôn, họ vẫn có thể chọn ra được những lựa chọn xứng đáng cho năm đó và vẫn tạo ra được những hiệu ứng, dư chấn đáng nể.
 
Trong khi đó, giải thưởng Hội Nhà văn VN có những năm, cụ thể là năm nay, lại được đặt trên một nền đất yếu, chưa cho thấy nhiều đột phá. Tuy nhiên, không loại trừ, qua nhiều năm đứng trước những luồng dư luận nhiều chiều, những người xét giải cũng có thể ít nhiều có tâm lý thiếu tự tin hơn về những quyết định của mình. Tâm lý đó nếu có, thì cũng không đến nỗi dẫn đến kết quả này, vì rõ ràng việc từ chối trao giải đâu phải là một giải pháp an toàn.

Trái lại, nếu đời sống văn học trong năm qua của chúng ta thực sự có được những đột phá, thì ít nhất, cũng đưa lại cho những người chấm giải 50% tự tin. Một giải thưởng chỉ an toàn khi người trao giải cảm thấy tự tin vào quyết định của họ, dù rằng sự an toàn ở đây không có nghĩa là sự cầu toàn.

Về quyết định (được cho) là gây bất ngờ năm nay của Hội đồng chung khảo, cá nhân tôi lại cảm thấy rất bình thường và không có gì quá bất ngờ. Tôi cũng không nghĩ nó sẽ tạo ra những tiền lệ (xấu hay tốt) về sau.

Ít nhất là trong mùa giải tới, khi mà năm nay là năm đầu tiên bước sang thập kỷ mới, trong một tâm thế mới, biết đâu văn học VN sẽ có được sự khởi sắc. 2010 cũng là năm diễn ra đại hội Hội Nhà văn VN, ít hay nhiều cũng sẽ có những thay đổi về thành phần ban chung khảo, sơ khảo... và mỗi ban xét giải sẽ có những cái nhìn và lựa chọn khác nhau...".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Cảm giác đầu tiên của tôi là: Rỗng!". "Và hụt hẫng! Tại sao cả một năm với bao cuốn sách thuộc bao thể loại được ra đời, mà từng ấy con mắt xanh lại không chọn ra nổi quá một cuốn để trao giải? Để đến nỗi, rốt cuộc chỉ có được một cuốn đứng trơ trọi, chơ vơ, khiến bức tranh giải thưởng sao mà "tiêu điều"! Xét giải kiểu này tôi thấy không ổn. Nếu là nghiêm khắc, muốn dễ bề "kén cá chọn canh" thì có giỏi, mười năm lại trao giải một lần đi! Nếu xét giải từng năm, thì chuyện của năm nào phải ra năm nấy. Còn chuyện tác phẩm được giải có "đáng mặt anh tài" hay không thì còn cần phải đợi thời gian, công chúng phán xét, chứ đâu phải chỉ mỗi mình hội đồng xét giải gật là xong!".

 Nguồn: Lao Động

Đọc thêm