Giảm chi phí, nâng chất lượng

Xây dựng cầu đường được xem là lĩnh vực “ngốn” nhiều ngân sách Nhà nước nhất. Chính vì vậy mà một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành Giao thông-Vận tải thành phố hướng đến trong những năm gần đây là tiết kiệm nguồn ngân sách cho Nhà nước thông qua việc cải tiến kỹ thuật và đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục hành chính.

Xây dựng cầu đường được xem là lĩnh vực “ngốn” nhiều ngân sách Nhà nước nhất. Chính vì vậy mà một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành Giao thông-Vận tải thành phố hướng đến trong những năm gần đây là tiết kiệm nguồn ngân sách cho Nhà nước thông qua việc cải tiến kỹ thuật và đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục hành chính.

Tiết kiệm ngay từ... bàn giấy

Rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành Giao thông-Vận tải thành phố đã được áp dụng tại công trình cầu Thuận Phước.

Với ngành Xây dựng nói chung và xây dựng cầu đường nói riêng, thì một trong những vấn đề tốn khá nhiều thời gian nhất là khâu quản lý hồ sơ, thiết kế dự toán ngân sách và thẩm định. Từng nhiều năm công tác tại Phòng Giám định và quản lý chất lượng công trình của Sở Giao thông-Vận tải, chị Nguyễn Thị Hạnh đã hoàn chỉnh được quy trình quản lý trên một cách khoa học, giải quyết được những hạn chế trước đây như hồ sơ luân chuyển giữa các bộ phận quá nhiều lần; trưởng phòng quá nhiều việc phải xử lý, từ đó dẫn đến sự phối hợp xử lý không đạt hiệu quả cao.

Với quy trình mới, hồ sơ được văn thư lưu vào máy, sau đó chuyển sang trưởng phòng ngay trong ngày, từ  đó trưởng phòng và bộ phận thẩm định xử lý hồ sơ và cuối cùng trả hồ sơ về tổ một cửa. Nhờ quy trình mới này mà trung bình mỗi hồ sơ xử lý nhanh hơn trước đây khoảng 2 ngày. Hoặc sáng kiến về đẩy nhanh tiến độ thi công công trình xây dựng giao thông của tác giả Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở, đã giải quyết tốt những tồn tại trước đây trong công tác quản lý và phối hợp.

 

Trước đây, tồn tại tình trạng khá bất cập là ban quản lý dự án gần như làm việc độc lập, công tác phối hợp bị xem nhẹ, vì vậy khi có vướng mắc khả năng giải quyết rất hạn chế và mất nhiều thời gian. Thế nhưng từ khi có quy trình về phối hợp làm việc giữa các bộ phận từ thiết kế, thi công, xử lý kỹ thuật… tất cả đều phối hợp tốt, nhờ vậy không những rút ngắn thời gian gần như ở tất cả các khâu mà chất lượng công trình được nâng lên.

Sáng kiến cải tiến lề lối làm việc tại Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước của tác giả Lê Khánh đã tiết kiệm cho đơn vị mỗi năm gần 70 triệu đồng. Với việc sáp nhập các phòng và tinh giản biên chế làm việc, vừa tiết kiệm được nguồn kinh phí trả lương, nhưng lại đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc hằng ngày. Ngoài ra, còn khá nhiều sáng kiến tuy đơn giản nhưng lại góp phần nâng cao hiệu quả công việc vừa tiết kiệm thời gian và kinh phí. Điển hình như sáng kiến cải tiến việc soạn thảo văn bản trong việc ra quyết định thu hồi đất của các hộ nông nghiệp trong diện giải tỏa; xây dựng quy trình tham mưu cho lãnh đạo ký kết ủy quyền quản lý điều hành dự án ODA… tất cả đều được áp dụng trong thực tiễn và đều phát huy hiệu quả.

Đến tiết kiệm trong công tác thi công

Nhận thấy sự hao tốn nhiên liệu từ công đoạn đốt nồi hơi sấy khô, tác giả Thành Công Pháp của Công ty Công trình đô thị đã cải tiến kệ bê-tông đặt nồi hơi, bên cạnh việc gia công phần đáy cao thêm 0,5 mét để có thể thay thế nhiên liệu đốt từ than đá sang củi. Với sáng kiến này đã giảm được giá thành mỗi ống bê-tông cốt thép 80 ngàn đồng. Đây là con số khá ấn tượng, vì đã giảm đến 1/3 chi phí so với trước đây. Trong khi đó sáng kiến thay thế động cơ diesel bằng động cơ điện 3 pha của tác giả Nguyễn Văn Tân thuộc Xí nghiệp Khai thác đá Hố Bạc đã giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề vướng mắc trước đây như tăng năng suất khai thác đá, giảm thiểu thải chất ô nhiễm ra môi trường. Theo tính toán, trung bình mỗi năm sáng kiến này tiết kiệm được trên 350 triệu đồng cho đơn vị.

Đặc biệt, sáng kiến đổ bê-tông các đốt dầm liên hợp bằng công nghệ đúc hẩng bằng cách tận dụng hệ thống dầm khung đã thi công xong tại các nhịp gần bờ của tác giả Trương Văn Bình thuộc Ban Quản lý dự án Sơn Trà-Điện Ngọc, không những tiết kiệm được ngân sách mà còn bảo đảm an toàn trong công tác thi công. Từ việc tận dụng hệ thống nhịp dầm tại các trụ gần bờ đã thi công xong để làm bệ sàn cho xe bê-tông hoạt động, vừa rút ngắn thời gian thi công vừa tránh được tồn tại lâu nay là bê-tông bị dồn lại trong quá trình đổ. Hiện nay sáng kiến này được phổ biến không những tại thành phố Đà Nẵng mà nhiều công trình ở các địa phương khác.

Có rất nhiều sáng kiến cải tiến như vậy của đội ngũ từ những người quản lý đến người lao động trực tiếp của ngành Giao thông-Vận tải thành phố thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thi công nhưng lại tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước. Đây là điều không phải ngành nào cũng có thể làm được.

Bài và ảnh: Thanh Vân

Đọc thêm