[links()]
10 năm trở lại đây, công tác giám định gene truy nguyên cá thể con người (ADN) đã trở thành một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội và gia đình. Thế nhưng, cũng có những lúc ADN gặp “tai nạn”...
ADN bó tay vì nạn nhân... nhăng nhít
Tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) từng có một cô bé vì hoàn cảnh cha mẹ ly hôn nên phải ở với bố dượng. Khi cô bé bước vào tuổi 14 với thân hình mơn mởn non tơ, người cha dượng thấy thế thì nổi thú tính và đã giở trò bỉ ổi... Sự việc kéo dài đến năm 16 tuổi thì cô bé có thai. Mặc cảm, xấu hổ, cô bỏ về quê với ông bà.
|
TS.Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia. |
Ở đây, cô may mắn gặp một người đàn ông nghèo nhưng tốt bụng rồi họ nên vợ nên chồng. Nhưng khi đứa con ra đời, ngắm nghía mặt mũi con chẳng thấy giống mình lại thêm bấm đốt tính ra ngày tháng cũng không khớp, người chồng gặng tra hỏi vợ về những nghi vấn này. Những tưởng cô vợ trẻ sẽ thú nhận chuyện tình ái lăng nhăng, nào ngờ cô đã thành thực kể ra quãng đời cay đắng tuổi thơ bị cha dượng lạm dụng tình dục.
Là người đàn ông tử tế, anh chồng vẫn cưu mang vợ nhưng đưa nạn nhân ra cơ quan công an để tố cáo kẻ đồi bại. Cơ quan điều tra đã lấy mẫu của đứa trẻ và người bố dượng để xác định huyết thống. Khi tiến hành giám định gene, nghĩ lại những giọt nước mắt của cô gái, các giám định viên chắc chắn phen này sẽ lôi được gã đàn ông vô nhân tính kia ra trước vành móng ngựa.
Từng ngày chờ kết quả giám định chầm chậm trôi qua, thế nhưng kết luận từ ADN lại cho thấy đứa trẻ do cô gái sinh ra không phải là con của ông bố dượng! Cô gái mất phương hướng, không biết tố cáo ai tiếp theo. Người chồng chết sững. Còn các giám định viên cũng ngậm ngùi...
Một trường hợp khác, bà mẹ đưa con gái có thai gần 5 tháng đến cơ quan công an tố cáo kẻ đã hại đời con bà. Khi các điều tra viên hỏi về người đã quan hệ và để lại hậu quả là cái thai trong bụng, cô gái lần lượt khai ra đến... 13 người trong xã. Cô cũng chẳng biết chính xác thời điểm có thai đã quan hệ với ai.
Các điều tra viên lấy đủ cả 13 mẫu giám định ADN của những người bị nghi là bố cháu bé cho vào kho bảo quản chờ ngày cô gái sinh hạ để đối chiếu. Thế nhưng cả 13 người đàn ông nói trên đều không phải cha đứa trẻ! Tại cơ quan điều tra, khi được thông báo kết quả trên, cô gái lại khai tiếp ra... người thứ 14! Vụ án đành bị đình chỉ điều tra trong nỗi ngậm ngù của giám định viên vì không thể “chạy đua” với những chuyện quan hệ nhăng nhít của cô gái.
Hồi âm từ những “phù thủy” của ADN
Tuy ngày nay kỹ thuật ADN với tính chính xác gần như tuyệt đối của mình đã lôi ra trước ánh sáng công lý rất nhiều kẻ thủ ác của các vụ hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, thế nhưng từ rất sâu trong tâm sự của mình, các giám định viên pháp y vẫn mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các vụ án liên quan đến pháp y tình dục được tiến hành theo đúng mong muốn của các bác sĩ giám định viên pháp y. Vậy tại sao lại nói là “tiến hành theo đúng mong muốn”?
Là một bác sĩ giám định viên khá nổi tiếng trong lĩnh vực pháp y tình dục, TS.Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, hiện nay hầu hết các vụ án liên quan đến lĩnh vực tình dục như hiếp dâm, giao cấu với trẻ vị thành niên... cơ quan điều tra mới chỉ dừng lại ở lại ở giai đoạn là đưa nạn nhân tới cơ quan giám định để xác định sự việc có hay không, tỷ lệ thương tích ra sao, chứ chưa quan tâm đến những diễn biến về tâm lý, sức khỏe của nạn nhân ở giai đoạn tiếp theo.
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều giám định viên, chính ở giai đoạn này, nạn nhân có thể có những biểu hiện của việc có thai là hậu quả của vụ hiếp dâm hoặc bị lây nhiễm một căn bệnh hoa liễu nào đó từ chính đối tượng gây án sau một thời gian ủ bệnh. Và, thường những biểu hiện này sẽ được nạn nhân âm thầm “giải quyết” mà cơ quan điều tra không hề hay biết. Trong khi đó, đây chính là những bằng chứng rõ ràng nhất giúp cơ quan điều tra vạch mặt thủ phạm.
Một khó khăn nữa của việc giám định các vụ án liên quan đến pháp y tình dục hiện nay là các giám định viên thường chỉ được khám nạn nhân (do cơ quan trưng cầu đưa tới) mà không được tiếp cận và khám đối tượng bị tình nghi là thủ phạm.
Theo TS.Vũ Dương, riêng trong lĩnh vực pháp y tình dục, chính việc cơ quan điều tra tạo điều kiện cho giám định viên có thể tiếp cận và khám đối tượng bị tình nghi sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tìm ra các chứng cứ, dấu vết nhằm so sánh với kết quả khám nạn nhân (ví dụ như bệnh hoa liễu lây từ đối tượng sang nạn nhân hoặc ngược lại, những đặc điểm đặc biệt của đối tượng để lại dấu vết trên người nạn nhân và ngược lại...), để từ đó có những suy đoán chính xác, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm.
Hy vọng rằng tới đây, khi pháp luật về giám định tư pháp được nâng cấp và chuẩn hóa, thì những “rối rắm” đã và đang nảy sinh trong hoạt động giám định pháp y tình dục sẽ được quan tâm tới. Bởi nếu không chính nó sẽ là kéo dài con đường đến với sự thật của các cơ quan tố tụng, kéo dài nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ.
Hồng Minh Dương