Giảm giá kích cầu du lịch hướng đến phục vụ đông đảo người dân

Từ đầu năm 2010  đến nay, Việt Nam thu hút được hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến hết năm 2010 vượt hơn 1 triệu lượt khách quốc tế so với cả năm 2009.

Tại lễ tổng kết chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch phối hợp với TP Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho biết: từ đầu năm 2010  đến nay, Việt Nam thu hút được hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến hết năm 2010 vượt hơn 1 triệu lượt khách quốc tế so với cả năm 2009. Chương trình trình giảm giá kích cầu du lịch chính là một phần quan trọng góp phần trong việc tăng trưởng vượt trội của ngành du lịch.

 

Khách du lịch nước ngoài tham quan khu vực Trung tâm thành phố

Ảnh: Phương Duy

Hiệu quả từ chương trình giảm gía kích cầu

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau hai tháng triển khai chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch, lượng khách hàng tham quan, mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại đều tăng cao và doanh thu của các đơn vị tăng 11% - 170%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị có doanh thu tốt đều thuộc đơn vị có quy mô lớn và có thương hiệu trên thị trường. Còn một số đơn vị do đặc thù của lĩnh vực dịch vụ và mặt hàng hoặc do thời vụ tiêu dùng của nhóm hàng hóa - dịch vụ tập trung cao điểm vào các tháng cuối năm nên doanh thu chưa cao.

 

Chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch ở Hà Nội thu hút gần 100 điểm bán hàng tham gia. Các hình thức khuyến mại đa dạng như giảm giá, tặng quà, dùng hàng thử miễn phí, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ... Hình thức giảm giá áp dụng nhiều nhất với mức giảm 10 - 50%. Đây là một chiến dịch với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm kích thích khả năng mua sắm hàng hóa của khách quốc tế và khách nội địa, từng bước hình thành các trung tâm mua sắm hàng hóa cho du khách, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm và tăng khả năng mua sắm trong chương trình du lịch của du khách.

 

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn cũng như các trung tâm thương mại tham gia kích cầu du lịch năm 2010 có 37 đơn vị, trong đó 9 điểm mua sắm đạt chuẩn, 16 doanh nghiệp lữ hành, 12 khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Theo đó, các công ty du lịch cũng như các khách sạn và trung tâm mua sắm  có nhiều chương trình khuyến mãi thu hút du khách, kích cầu các chương trình tua nội địa. Theo đại diện Công ty lữ hành dã ngoại Lửa Việt, hưởng ứng chương trình này, công ty có nhiều chương trình tua nội địa và quốc tế tốt nhất phục vụ du khách trong tháng khuyến mãi. Cụ thể, Lửa Việt giảm giá tua nội địa trong tháng khuyến mãi 5%, và giảm giá tua quốc tế 5 USD đến 20 USD cho một chương trình tua.

 

Xây dựng thương hiệu hút khách

 

Theo Tổng cục Du lịch, du lịch kết hợp mua sắm là loại hình du lịch phát triển mạnh gần đây. Nguồn thu từ mua sắm của khách du lịch là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch nhiều nước như Thái Lan, Malaixia và Xingapo. Các nước này rất thành công trong việc tổ chức các chiến dịch bán hàng giảm giá trong suốt một thập niên qua. Tại Thái Lan, dịch vụ mua sắm đóng vai trò rất cao. Du khách khi tới Thái Lan, chi phí mua sắm chiếm tới 67% tổng chi tiêu. Còn tại Việt Nam , mua sắm của khách du lịch mới đạt 20% tổng chi- con số khá thấp.

 

Thời gian qua, Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổng công ty hàng không Việt Nam phát động chiến dịch này tại một số thành phố lớn và trung tâm du lịch chính ở Việt Nam. Đối tượng tham gia là các siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, hãng vận chuyển. Chương trình được thực hiện tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Các hoạt động trong chương trình này là tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng cho khách du lịch mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng đã đăng ký chính thức tham gia chương trình. Các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia vào hoạt động được giảm giá 10-50% trong 2 tháng khuyến mại. Chiến dịch bán hàng giảm giá được ủng hộ bằng nhiều cách như thẻ ưu đãi giảm giá (tourist privilege card) hoặc vé mua sắm (shopping coupon). Các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch đăng ký cung cấp thẻ ưu đãi hoặc vé mua sắm cho khách du lịch.

 

Tại TP. Hồ Chí Minh từ sau chiến dịch kích cầu du lịch này, hoạt động bán hàng giảm giá trở thành hoạt động mang tính thường niên. Nếu ai đó đến TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9, hầu hết các tour và sản phẩm du lịch được giảm giá và khuyến mại. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh thực hiện cho tất cả đối tượng kể cả cho du khách trong nước và khách quốc tế cũng như những người dân nông thôn. Tại Hà Nội, đây là năm đầu thực hiện chương trình với quy mô rộng, lấy ở vị trí trung tâm là các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách.

 

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Cường, để giảm giá kích cầu du lịch trở thành hoạt động thường niên nhằm hút khách du lịch, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần đưa ra các chính sách kích cầu, trong đó có nội dung tạo dựng hình ảnh ấn tượng về sản phẩm, phong cách phục vụ cho du khách. Các tỉnh, thành phố thực hiện chương trình này cần rút kinh nghiệm và hằng năm cần có những đợt trợ giá, giảm giá cho du khách để từ đó tạo dựng thương hiệu; khuyến khích sản xuất tiêu dùng, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

 

Lương Văn

Đọc thêm