Chỉ vài ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%, các ngân hàng thương mại đã tích cực thực hiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, không phải tất cả mọi người vay đều có cơ hội nhận được mức lãi suất này.
|
Ảnh minh họa. |
Đồng loạt giảm lãi
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), ngay trong sáng 11/7 đã công bố thực hiện giảm lãi suất về dưới 15%/năm với các khoản cho vay cũ bắt đầu từ ngày 15 /7. Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng cho hay, ngày 10/7, ngân hàng có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện rà soát dư nợ những khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất về mức 15%/năm để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và hộ dân.
Đồng thời, ngân hàng yêu cầu các chi nhánh tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.
“VietinBank sẵn sàng đi đầu chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững. Doanh nghiệp nào cần vay lãi suất thấp cứ chuyển sang đây chúng tôi sẽ đáp ứng ngay. Chúng tôi đã dành sẵn cả hàng chục ngàn tỷ đồng để có chính sách ưu đãi phục vụ khách hàng tốt và luôn đưa ra mức lãi suất cạnh tranh nhất so với ngân hàng khác” - Chủ tịch HĐQT VietinBank tuyên bố.
Hiện,VietinBank đang triển khai Chương trình cho vay thu mua tạm trữ 500 ngàn tấn lúa, gạo vụ Hè Thu 2012 với mức lãi suất chỉ ở mức 10,5%/năm, các chương trình cho vay tín dụng mục tiêu, chương trình ưu đãi cho vay các khách hàng chiến lược, khách hàng tốt, tiềm năng có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất 10% - 11,5%/năm. Thậm chí, mức lãi suất cho vay xuất khẩu ngắn hạn chỉ còn từ 7 - 8%/năm.
Ngân hàng Sài gòn Hà Nội SHB cũng sẽ tiến hành điều chỉnh cho tất cả các khoản vay cũ hiện đang có lãi suất trên 15%/năm, không phân biệt khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp, không phân biệt lĩnh vực. Việc điều chỉnh này được thực hiện ở các khoản vay đến kỳ điều chỉnh và cả chưa đến kỳ điều chỉnh.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, trước khi có chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị ngành ngày 7/7 vừa qua, từ tháng 4/2012, SHB cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho khoảng 5.500 khoản vay với dư nợ 8.570 tỷ đồng, kể cả những khoản chưa đến hạn điều chỉnh. Nguồn thu từ tín dụng theo đó giảm 15,53 tỷ đồng/tháng.
Đến nay, lượng dư nợ có lãi suất trên 15%/năm của ngân hàng này hiện chiếm khoảng 35% trong khoảng 33.000 tỷ đồng tổng dư nợ. “Trong giai đoạn này hoạt động của ngân hàng không phải chạy theo lợi nhuận nữa, mà đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu và tăng hỗ trợ doanh nghiệp, để làm sao doanh nghiệp hoạt động an toàn thì ngân hàng an toàn”, vị này nói.
Cho vay không lãi để mua nhà Chủ đầu tư dự án Indochina Plaza HaNoi (IPH) cùng đại diện Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký kết chương trình ưu đãi lãi suất khi mua căn hộ với nhiều điểm khác biệt áp dụng từ 05/07/2012 tới 05/08/2012. Theo đó, người mua nhà có điều kiện tiếp cận với khoản vay lên tới 60% giá trị căn hộ trong thời hạn 20 năm. Người mua nhà sẽ không phải trả lãi suất vay và được ân hạn nợ gốc (hoãn trả nợ gốc) trong một năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên theo hợp đồng tín dụng, Đây quả thực là gói hỗ trợ tài chính chưa có tiền lệ trên thị trường bất động sản cao cấp. Như vậy, người mua chỉ cần nguồn vốn tự có tương đương 40% giá trị hợp đồng để sở hữu căn hộ đẳng cấp tại Indochina Plaza Hanoi và không phải lo ngại về nghĩa vụ trả lãi và gốc vay trong năm đầu tiên. Indochina Plaza Hanoi IPH bao gồm hai tháp căn hộ với 386 căn hộ, một tháp văn phòng với 18.000 m² diện tích văn phòng hạng A và bốn tầng trung tâm thương mại có diện tích lên tới 14.000 m². Hiện, dự án đang hoàn tất phần xây dựng cảnh quan và trên thực tế đã bàn giao những căn hộ đầu tiên từ tháng 4/2012. H.Thủy |
TienPhong Bank cũng đưa ra gói vốn trị giá 3.000 tỷ đồng cho vay 4 lĩnh vực tín dụng ưu tiên. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có món lãi suất nào lớn hơn 14,5%/năm.
Ngân hàng khác là OceanBank cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay nợ cũ với tất cả khách hàng về mức dưới 15%/năm.
Agribank cũng đã ban hành văn bản cho phép tất cả đối tượng không thuộc diện được hưởng mức trần lãi suất tiền vay 13%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, được vay với lãi suất tối đa là 15%/năm kể từ ngày 15/7/2012.
Theo tính toán của một chuyên gia, nếu tất cả các khoản nợ cũ được điều chỉnh lãi suất về 15%, số lợi nhuận các ngân hàng thương mại mất đi có thể lên đến 16.500 tỷ đồng.
Cứu toàn bộ hay chỉ chọn những DN nhất định?
Một vấn đề được các chuyên gia bàn thảo nhiều là có nên “cứu” những DN đang ngấp nghé bờ vực phá sản.
Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Vinh – chuyên gia tài chính độc lập, tình trạng ngấp nghé phá sản hiện nay của nhiều DN là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan như những khó khăn kinh tế trong và ngoài nước.
“Tuy nhiên, nhìn các DN trụ vững qua khủng hoảng, mới thấy, lý do căn bản nhất của những DN ngấp nghé phá sản vẫn là lề lối làm ăn cẩu thả” – ông Vinh phân tích. Nhiều DN muốn tăng trưởng nóng trong khi vốn chủ sở hữu thì ít và phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng. Với thực tế lãi vay cao ngất ngưởng như mấy năm qua, trong khi năng lực quản trị yếu kém, thiếu nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô, vi mô, thiếu minh bạch thông tin, thiếu định hướng chiến lược, không có kế hoạch sản xuất kinh doanh bền vững.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank bình luận, những khó khăn hiện nay chính là cơ hội để tái cơ cấu, sàng lọc lại những doanh nghiệp ốm yếu, làm ăn mạo hiểm nhưng không lượng sức mình. Ông Hưởng và nhiều vị lãnh đạo của các ngân hàng cũng khẳng định, việc hạ lãi suất không có nghĩa là nới chuẩn tín dụng, và dù có giảm lãi suất nhưng ngân hàng dứt khoát không nên cho vay với doanh nghiệp ngấp nghé phá sản.
Việt Thành