Giảm nguy cơ thiên tai xâm hại di tích

Thành phố Đà Nẵng hiện có 49 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, có đến hàng chục di tích khác còn đang “xếp hàng” chờ xếp hạng. Phòng chống thiên tai là một trong những giải pháp giúp tăng tuổi thọ cho di tích.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 49 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp thành phố. Ngoài ra, có đến hàng chục di tích khác còn đang “xếp hàng” chờ xếp hạng. Phòng chống thiên tai là một trong những giải pháp giúp tăng tuổi thọ cho di tích.
Từ đây hết lo sập đình

Đó là câu nói chân tình của cụ Đặng Khôi, Trưởng ban Quản lý di tích đình Túy Loan (được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 4-1-1999), khi đứng ngắm công trình trùng tu đình đang được Công ty TNHH Xây dựng Tiến Lập (Công ty Tiến Lập) thi công. Khởi công hôm 10-9, công trình có tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng (riêng phần xây lắp 2,7 tỷ đồng) gồm trùng tu chính đình, nhà hội hương, nhà trù, tường rào và trụ biểu (thay tam quan cũ).

Mô tả ảnh.
Trùng tu di tích vùng thấp lụt như đình Túy Loan được khuyến cáo dùng toàn gạch thẻ để chống ngấm nước.
Đình Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) trong khuôn viên rộng hơn 8.000m2, nằm bên đường 604 và quốc lộ 14B (cũ), nay thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Thời gian làm đình “già” đi và thiên tai khiến đình xuống cấp. Cơn lũ lịch sử cuối năm 1999, nước dâng lên gần lút bàn thờ, ngâm các cấu kiện gỗ, xi-măng gần một tuần. Bão số 6 (Xangsane) cuối năm 2006 đã “chặt” mất đầu rồng và làm hư hại nặng các chi tiết trang trí trên mái đình. Lũ năm 2007 quật ngã tường rào, bình phong. Mưa, nước rướm xuống làm mục ải đòn tay, rui, lách. Bão, ngói bay tốc, nóc hậu tẩm hở một mảng lớn ra ngoài trời. Cột vỡ, tường nứt, nếu không có kế hoạch trùng tu kịp thời thì nguy cơ sập đình là khó tránh.

Việc trùng tu kịp thời đình Túy Loan đã cứu nguy di tích cấp quốc gia này trước mùa bão lũ năm nay. Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng đã lưu ý với các đơn vị tư vấn, thiết kế và thi công về cường lực nước lũ đập vô đình, phải tăng mác xi-măng, gia cố thêm sắt ở tường rào... Vật liệu xây dựng cho công trình hằng năm bị ngấm nước này, theo ông Nguyễn Thỏa, Giám đốc Công ty Tiến Lập, cũng phải có tiêu chuẩn riêng. Chỉ dùng gạch thẻ, không dùng gạch ống để tránh tình trạng ngấm nước khi ngập lũ. Thi công theo kiểu cuốn chiếu trong mùa mưa, những phần nào chưa đụng đến đều được công nhân triệt để giữ không cho ngập nước, giữ khô các chân cột, chân bàn bằng gỗ.

Sau Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, đình Túy Loan là di tích cấp quốc gia thứ hai do ông Thỏa trực tiếp trùng tu, tạo vẻ mỹ quan và chấm dứt nguy cơ xâm hại của thiên tai đối với di tích.

Xin tiên linh đánh cho chữ đại xá…

Một viên ngói bể có thể làm tan hoang một ngôi đình. Đó là trường hợp của đình Đà Sơn thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Mái đình bị bể một viên ngói ngay dưới bố nóc, người ta đưa tôn vào che đỡ. Ông Lê Văn Ngọt, Trưởng ban Quản lý đình Đà Sơn, gọi cái sự nối kết “giữa mỡ và thịt” này là nguyên nhân làm cho đình hư hại dần. Bão năm 1999 bay luôn mái trước, bão số 6 năm 2006 sụp đình. Nếu trùng tu kịp thời thì vẫn còn bảo toàn được các cấu kiện gỗ bên trong và ngân sách Nhà nước không phải mất tới gần 900 triệu đồng để trùng tu đình.

Mô tả ảnh.
Các họ tộc làng Phước Lý năm nay phải chống chọi với thiên tai để bảo vệ đình làng.
Di tích đã trên trăm tuổi, theo ông Lê Xuân Thông, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng), thì ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Có khi hôm nay báo cáo tại hội thảo về một di tích nào đó thì hôm sau có trận bão tới là di tích đã tan hoang mà đình Đà Sơn là một ví dụ. Đà Nẵng hiện có một số di tích xuống cấp cần trùng tu, nhưng do kinh phí có hạn nên phải ưu tiên cho di tích xuống cấp nặng nhất. Với các di tích còn lại, phải tiến hành các biện pháp cấp thiết để giảm thiểu tốc độ xuống cấp khi chưa có điều kiện trùng tu, tôn tạo tổng thể.

Đình Đà Sơn trùng tu xong thì ngày 7-8-2010, được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố. Đây là sự động viên rất lớn đối với các chủ sở hữu của 9 di tích còn lại đang chờ xếp hạng - Ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng VH-TT quận nhận xét. Các cụ năng lui tới đình lo hương khói, mưa gió là kêu con cháu tới chằng chống nên tình trạng xuống cấp di tích do thiên tai thời gian qua không nhiều.

Đình Phước Lý (phường  Hòa Minh, quận Liên Chiểu) đang chờ xếp hạng. 12 sắc phong được đặt trong hậu tẩm đúc bê-tông nước không vô được, nhưng mấy trận mưa to vừa rồi, nước theo ngói bể chảy xuống lênh láng trên nền đình, sắc không khỏi bị ẩm. Cụ Nguyễn Đình Phùng, đại diện Hội đồng các họ tộc làng Phước  Lý và ông Mai Tạo, thủ bổn của làng, lo dọn dẹp, gắng giữ đình qua mùa mưa bão năm nay. “Đình trùng tu từ ngày 10-6-1994, hơn 16 năm rồi nên nhiều chỗ xuống cấp quá - cụ Phùng than thở. Nghèo chi cũng phải ráng làm cái đình, chứ để rứa thấy có tội với tổ tiên quá”.

Các cụ bao giờ cũng nặng lòng với di sản của cha ông để lại, nhưng nhiều khi quá cứng nhắc. Ông Hà Phước Mai đơn cử như trường hợp sắc phong có nơi treo trên đòn đông mà mái ngói thì dột thủng, chỉ trận bão là bay tung. Đề nghị đưa sắc phong xuống để bảo quản thì các cụ quá tâm linh, bảo phải chờ họp đại diện chư phái tộc lại, làm lễ cúng tiền nhân rồi mới “thỉnh” sắc xuống. Trong trường hợp này, theo ông Mai, mình phải nói các cụ: “Thôi, xin tiên linh đánh cho chữ đại xá, chứ chờ họp thì sắc bay mất, ai chịu?”.
Sắc phong được xem là bằng chứng về giá trị lịch sử - văn hóa của làng, càng nhiều sắc, càng giá trị. Vì thế, nghe nói “bay mất” là các cụ đổi thái độ ngay, và các cụ thắp nén hương “xin tiên linh đánh cho chữ đại xá” và “thỉnh” sắc xuống bảo quản ở nơi tốt nhất.

VIÊN PHÚC QUÂN

Đọc thêm