Giám sát 24/24 quá trình Formosa khắc phục hậu quả

(PLO) - Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đưa ra tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (ĐB QH) chiều qua (15/11).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tại phiên chất vấn, nhiều ĐB nêu vấn đề về sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra gần đây. Trong đó ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn về tính vững chắc của cam kết Công ty Formosa sẽ không gây ô nhiễm trong thời gian tới. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, riêng về sự cố Formosa, Bộ TN&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ông Hà cho hay, Bộ đã lập một lực lượng liên ngành gồm nhà khoa học ở các viện khoa học có uy tín để xem xét, đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp để khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. “Phương án đặt ra là trong quá trình Formosa khắc phục hậu quả thì có tổ công tác do Viện Hàn lâm khoa học công nghệ phối hợp trực tiếp với Bộ TN&MT lập tổ công tác giám sát 24/24 về nước thải, khí thải và chất thải rắn”, ông Hà thông tin. 

Về biện pháp xử lý, theo ông Hà, Bộ TN&MT đã đặt ra yêu cầu và quy định phải đáp ứng, tập trung vào vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả các khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nhà máy điện, khu cốc hoặc là các khu vực khác đều được xem xét và có quy định để xử lý cụ thể, đồng thời cũng luôn tính toán nếu xảy ra sự cố thì có biện pháp phòng ngừa như có hồ để xử lý tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ, tự động. “Các thông số được kiểm soát chặt chẽ qua thiết bị tự động, chuyển về Sở TN&MT Hà Tĩnh và Bộ TN&MT”, ông Hà nói. 

Ông Hà cũng cho biết Bộ có tính toán tồn tại công nghệ sản xuất mà từ nay đến năm 2018, Formosa mới hoàn thành thì cũng yêu cầu chú ý các nguồn thải và tái tuần hoàn xử lý. Cuối đường ống làm rõ có bồn sinh học rộng hơn 10ha xử lý đáp ứng quy chuẩn môi trường, áp dụng quy chuẩn như Hàn Quốc với nguồn thải cuối cùng. “Formosa thống nhất thực hiện và tinh thần xây dựng nhà máy an toàn môi trường, đảm bảo phát triển bền vững ở địa phương. Còn Bộ đang thiết kế hệ thống giám sát toàn bộ môi trường biển ở 4 địa phương. Các thông số hoàn toàn kiểm soát được nguồn thải của Formosa”, ông Hà nhấn mạnh.

Để kiểm soát tốt hơn, Bộ TN&MT đã thiết kế hệ thống giám sát môi trường biển ở 4 địa phương này, có thể kiểm soát bùn thải, nước thải. Về xử lý chất thải rắn, bùn thải nguy hại, Bộ yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng với những doanh nghiệp có năng lực xử lý thì được lưu trữ trong kho với chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại… 

Mới xử lý được 9/34 làng nghề đặc thù có ô nhiễm

Về vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng ở cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu đô thị, theo ông Hà, trong giai đoạn 2011- 2015, Bộ đã xác lâp mục tiêu tập trung giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề, lưu vực sông. Đã có 3 lưu vực sông được xây dựng các đề án để khắc phục hiện tượng ô nhiễm. Tuy nhiên, do kinh phí khó khăn chung nên mới bố trí được 1/5 tổng kinh phí. Mục tiêu đặt ra là giải pháp cho 34 làng nghề đặc thù có ô nhiễm nhưng mới chỉ giải quyết được 9 làng nghề. 

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án khắc phục các làng nghề ô nhiễm, khu vực tồn dư hóa chất cao, mô hình xử lý nước thải. “Tuy nhiên, về kinh phí, nếu chỉ sử dụng bằng ngân sách thì khó. Do đó, Bộ cho rằng cần có sự đầu tư của 3 bên là Nhà nước thông qua ngân sách, vốn ODA và nguồn tham gia của xã hội với các mô hình liên hợp. Đặc biệt, nếu được QH thông qua sẽ triển khai theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền thì hoàn toàn có thể tính toán được kinh phí”, ông Hà cho biết. 

Đọc thêm