GIÁM SÁT CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM

"Mong muốn lớn nhất của những người cán bộ cơ sở là để các chính sách của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống, những bất hợp lý cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Tôi mong các ban của HĐND tỉnh có nhiều buổi giám sát theo chuyên đề như thế này để những người trực tiếp “làm” với dân như chúng tôi có thể phản ánh được đầy đủ, nhanh chóng những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

     “Thông qua đợt giám sát của các ban HĐND tỉnh, các địa phương như chúng tôi được tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo, các thành viên của Ban để kiến nghị những vấn đề từ thực tiễn trong việc triển khai các chính sách pháp luật, cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Đó là những bộc bạch của đồng chí Hà Chiến Thuật, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường (Võ Nhai) với chúng tôi trong buổi làm việc về giám sát thực hiện chính sách cử tuyển đại học của Ban Dân tộc về trước kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 12/2009.
May mắn cho người viết bài này là rất nhiều lần được “tháp tùng” các đoàn công tác của các Ban HĐND tỉnh đi giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của HĐND tỉnh đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh như thế nào. Qua các đợt giám sát, các ban đều xây dựng báo cáo thẩm tra và kết quả giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách để trình tại kỳ họp. Qua theo dõi, chúng tôi thấy, những vấn đề các ban xây dựng chương trình giám sát trong 2 năm trở lại đây có trọng tâm, trọng điểm hơn, gắn vào những vấn đề đang bức xúc tại địa phương hoặc ngành. Đơn cử như năm 2008, vấn đề bức xúc nhất của ngành Giáo dục & Đào tạo là có gần 2 nghìn trường hợp giáo viên hợp đồng lâu năm trong ngành, nhiều giáo viên từng đoạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi của trường, tỉnh mà vẫn không thể “lọt chân” vào biên chế Nhà nước. Báo chí cũng tốn không ít giấy mực để phản ánh về thực trạng này. Nhiều giáo viên đã bức xúc tổ chức thành đoàn xuống Sở Giáo dục & Đào tạo, cũng như tìm đến các cơ quan báo chí trên địa bàn để phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Vấn đề xét tuyển viên chức cho ngành Giáo dục & Đào tạo đã làm “nóng” tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Sau khi Ban Văn hoá Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát chuyên đề về thực trạng trên và đã kiến nghị với HĐND tỉnh cần có chính sách riêng của tỉnh trong việc xét tuyển viên chức đối với đội ngũ giáo viên đã hợp đồng lâu năm trong ngành giáo dục. Cùng với đó, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Nội vụ cũng tham mưu với UBND tỉnh đề xuất phương án giải quyết vấn đề này. Tỉnh đã quyết định tổ chức xét tuyển viên chức riêng đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục (không xét tuyển cùng đợt với đội ngũ sinh viên vừa tốt nghiệp). Từ quyết định này đã có trên 1 nghìn giáo viên được xét tuyển vào biên chế. Những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đội ngũ giáo viên đã được giải quyết, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp mà mình đã yêu mến và lựa chọn. Hay như cũng ở lĩnh vực giáo dục, nhưng liên quan đến chính sách dân tộc, trong 2 năm 2007 và 2009, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát về thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát mới thấy việc triển khai ở các địa phương bộc lộ rất nhiều điểm cần khắc phục. Cụ thể như thời gian mà các địa phương thông báo đến các gia đình trong xã về chỉ tiêu cử tuyển, thu nhận hồ sơ rất ngắn, gây khó khăn cho các huyện và học sinh trong diện chính sách. Học sinh cử tuyển học tập như thế nào địa phương không nắm được. Khi học xong các em không về địa phương công tác, cũng không phải bồi hoàn tiền học phí đã học trong suốt thời gian qua. Do vậy, rất lãng phí trong đào tạo. Hay như, việc giao chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo từ trên xuống đã không bám sát nhu cầu thực tiễn về cán bộ của địa phương.... vì thế mục tiêu lớn nhất trong thực hiện chính sách cử tuyển là đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao dân trí cho vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số không hiệu quả. Những kiến nghị trên đã được Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị với HĐND tỉnh tổng hợp báo cáo và đưa ra chất vấn tại các kỳ họp. Nhờ vậy, mà các ngành tham mưu cho UBND tỉnh đã đã có những giải trình và đề ra các biện pháp khắc phục, cũng như tham mưu với Bộ chủ quản trong thực hiện chính sách này. Do vậy, trong 2 năm trở lại đây, việc thực hiện chính sách cử tuyển đã được xiết chặt hơn từ đầu vào, cũng như phối hợp với các cơ sở đào tạo để quản lý về chất lượng học tập, rèn luyện của sinh viên, và tiếp nhận hồ sơ, văn bằng khi sinh viên tốt nghiệp. .. để bố trí việc làm. Đó chỉ là hai ví dụ rất sinh động về quá trình giám sát của các ban HĐND tỉnh. Đối với các Ban khác như Ban Pháp chế, Ban Kinh tế & Ngân sách cũng có nhiều chương trình giám sát hiệu quả tập trung vào việc sử dụng các nguồn vốn, cũng như thực hiện chính sách pháp luật ở địa phương. Qua đó, giúp các chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XI đã quyết nghị nghị quyết và chương trình giám sát năm 2010 của HĐND tỉnh. Các vấn đề được đưa ra giám sát trong năm này của các ban HĐND tỉnh đều có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Từ đó thể  hiện ý trí, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, thể hiện vai trò của từng đại biểu HĐND đang sinh hoạt tại các ban của HĐND thực sự là người đại diện cho ý trí, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

                                                                                                                                     Thuý Hằng

Đọc thêm