Luật, Pháp lệnh sau khi ban hành cần có văn bản hướng dẫn thi hành - yêu cầu khách quan trong giai đoạn hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ như hiện nay. Nhưng, thực tế không ít đạo luật của QH sau khi ban hành đang phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.
Tồn tại mang tính truyền thống này là một trong những nhược điểm mà Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chỉ ra trong cuộc họp mở rộng nghe đại diện các cơ quan hữu quan báo cáo về kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam sáng 25.3 vừa qua.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các đạo luật và pháp lệnh là khoảng trống đang cần được lấp đầy.
Có ủy quyền tiếp hay không?
Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), thì cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp… Thực tế, trong một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vẫn có những quy định mang tính chất ủy quyền tiếp cho cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, liên quan đến Pháp lệnh Công an xã, trong Nghị định số 73/2009/NĐ – CP ngày 7.9.2009, Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết 4 nội dung. Nghị định số 46/2009/NĐ – CP ngày 15.3.2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Chính phủ ủy quyền cho bộ trưởng các bộ quy định chi tiết 2 nội dung... Đáng chú ý, những văn bản hướng dẫn thi hành nêu trên đều được ban hành sau ngày 1.1.2009 - thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành.
Giải trình về vấn đề “ủy quyền tiếp”, đại diện một số cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Pháp lệnh đã khá hồn nhiên khi cho rằng, không hay biết gì về quy định “không được ủy quyền tiếp”; thực tế khi Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thổi còi thì mới biết về quy định này (?). Nhìn những quy định “ủy quyền tiếp” ở góc độ nhận thức cá nhân, đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho rằng, việc Luật giao cho Chính phủ quy định, sau đó Chính phủ lại giao tiếp cho bộ hoặc bộ trưởng hướng dẫn chi tiết không phải là ủy quyền tiếp mà đó là sự hướng dẫn nghiệp vụ. Trong quá trình hướng dẫn thi hành, có những nội dung mang tính chuyên môn, chuyên ngành, chưa ổn định mà bản thân một đạo luật hoặc một Nghị định của Chính phủ không thể ôm hết. Vậy nên, giải pháp hợp lý và linh hoạt hơn cả trong trường hợp này là giao cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới quy định chi tiết.
Hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn, phức tạp trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, tuy nhiên, đối chiếu với nguyên tắc tối thượng của pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẳng thắn: Luật đã giao cho cơ quan nào ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thì cơ quan đó phải thi hành. Không thể có chuyện Luật giao cho Chính phủ ban hành, nhưng vì nội dung quá phức tạp, chi tiết nên cơ quan soạn thảo linh hoạt giao cho bộ hoặc bộ trưởng ban hành.
Dứt khoát phải tuân thủ Luật...
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật là một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Song, theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì, một số quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định liên quan trong Luật và Pháp lệnh. Hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Nghị định số 33/2002/ NĐ – CP ngày 28.3.2002 của Chính phủ quy định: “mọi trường hợp vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thông qua các đơn vị giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong” (khoản 3 Điều 10); và “khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển” (khoản 4 Điều 10). Tuy nhiên, tại Thông tư số 12/2002/TT – BCA ngày 13.9.2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên, việc vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước lại được quy định với nội dung khác hẳn: “tài liệu, vật mang bí mật nhà nước khi vận chuyển phải được đựng trong bao bì chắc chắn bằng vật liệu phù hợp; khi cần thiết phải niêm phong theo quy định; có phương tiện vận chuyển bảo đảm an toàn trong mọi tình huống; trường hợp xét thấy cần thiết thì phải bố trí người bảo vệ việc vận chuyển các tài liệu, vật đó”.
Có chuyện văn bản cấp dưới quy định trái với văn bản cấp trên, theo đại diện Bộ Công an, là bởi quy định của Pháp lệnh cứng quá. Không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc niêm phong đối với mọi loại tài liệu và vật mang bí mật nhà nước. Vậy nên, sẽ phù hợp với thực tiễn hơn nếu Thông tư khung lại ở mức độ “khi cần thiết”.
Không đồng tình với cách cụ thể hóa pháp luật nêu trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã chỉ rõ: việc cơ quan cấp dưới lẳng lặng quy định lại nội dung của văn bản của cấp trên đã phá vỡ nguyên tắc pháp chế. Có thể quy định trong Thông tư phù hợp với thực tế, nhưng đối chiếu với nguyên tắc pháp chế thì quy định đó là trái pháp luật. Đồng thuận với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình rành rẽ: theo quy định của pháp luật, trong trường hợp phát hiện quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn thì trách nhiệm của các cơ quan hữu quan là phải kiến nghị sửa đổi. Trong thời gian Luật chưa sửa đổi, bổ sung thì dứt khoát phải tuân thủ quy định của Luật hiện hành. Phải thống nhất nhận thức như vậy mới có thể đưa các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết các Luật và Pháp lệnh về đúng trật tự và nguyên tắc áp dụng pháp luật: cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép.
Tổ chức họp mở rộng là hoạt động bình thường mà Thường trực HĐDT và các Ủy ban của QH tiến hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Họp mở rộng để thẩm tra các dự án Luật. Họp mở rộng để nghe các cơ quan hữu quan giải trình về một nội dung mà dư luận xã hội đang quan tâm, bức xúc... Họp mở rộng để nghe các cơ quan hữu quan báo cáo kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh thì dường như chưa phải các cơ quan của QH đều có điều kiện tiến hành thường xuyên. Nguyên nhân được chỉ ra: do eo hẹp về thời gian.
Trước đây, khi nhiệm vụ giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được giao do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trung bình mỗi lần báo cáo trước QH (Khóa X), Viện Kiểm sát kháng nghị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn trái luật của các bộ, ngành, địa phương - Chủ nhiệm Lê Quang Bình tâm tư – tuy nhiên, từ khi nhiệm vụ này được giao cho HĐDT và các Ủy ban của QH thì hoạt động này chưa tiến hành được bao nhiêu. Phải chăng các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành và địa phương ban hành đều đúng cả? Từ kết quả nghiên cứu bước đầu của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, rõ ràng, đang có những vướng mắc, khiếm khuyết trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết mà luật, pháp lệnh giao. Ngay cả đối với những quy định tối thiểu và rất rõ ràng trong quy trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật như không được ủy quyền tiếp..., nhưng chưa phải cơ quan soạn thảo nào cũng thực hiện nghiêm túc - Chủ nhiệm Lê Quang Bình chỉ rõ.
Đây có lẽ là khoảng lặng và là nỗi niềm của không riêng Ủy ban Quốc phòng và An ninh về khâu yếu nhất trong hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH.
Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Pháp lệnh Công an xã, Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những nội dung nằm trong chương trình hoạt động và kế hoạch giám sát năm 2010 của Ủy ban. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành hữu quan, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và đưa ra thảo luận tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban dự kiến tổ chức vào đầu tháng 5 tới.
Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết các Luật, Pháp lệnh do QH ban hành - khoảng trống đang chờ được lấp đầy.
Theo nguoidaibieu.com.vn