Giảm thuế nhập khẩu xe tải: Bộ ’ra tay’ mạnh, bộ ’bênh’

Dù mới là dự thảo song sự “xuống tay” khá táo bạo của Bộ Tài chính đối với thuế nhập khẩu  xe tải nguyên chiếc gây "sốc" với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khiến Bộ Công thương phải đứng ra “bênh vực”…

Mặc dù mới là dự thảo song sự “xuống tay” khá táo bạo của Bộ Tài chính đối với thuế nhập khẩu  xe tải nguyên chiếc thực sự gây sốc đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Buộc lòng, Bộ Công thương phải đứng ra “bênh vực”…

"Phóng" quan cam kết WTO

Theo biểu thuế dự kiến của Bộ Tài chính, các mức thuế suất mới thấp hơn nhiều so với hiện tại, đồng thời giảm nhanh hơn khá nhiều so với lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO. Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu (NK) xe tải loại dưới 5 tấn sẽ giảm chỉ còn 30% (hiện hành là 80%), từ 5 -10 tấn là 25%, (hiện là 54-55%), từ 10 - dưới 20 tấn là 25% (hiện hành là 30%), từ 20 - dưới 45 tấn là 15% (hiện hành là 8%).

Theo cam kết gia nhập WTO, đến thời hạn cuối cùng là năm 2018, thuế suất thuế NK xe tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn là 70%, có tải trọng từ 5 -10 tấn là 50%, có tải trọng từ 10 - 20 tấn là 50%.  Như vậy, mức thuế mới này còn thấp hơn 50% mức thuế theo cam kết với WTO (từ 50 - 70%).

Giảm thuế nhập khẩu xe tải: Bộ ’ra tay’ mạnh, bộ ’bênh’ ảnh 1

Ông Bùi Ngọc Huyên, TGĐ Cty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) bức xúc cho rằng mức thay đổi này quá lớn không phù hợp với điều kiện SX trong nước, ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) dẫn đến tình trạng phải đóng cửa, ngừng hoạt động và phá sản.

Ông Trần Bá Dương, TGĐ Cty CP ô tô Trường Hải cũng cho rằng việc giảm thuế NK xe tải nguyên chiếc một cách đột ngột, mức giảm lớn nhắm vào các xe có tải trọng nhỏ là không ủng hộ cho SX trong nước. Việt Nam sẽ trở thành đất nước không có nền công nghiệp ô tô và là quốc gia NK, nhập siêu ô tô. Hơn nữa, ông Dương cũng cho rằng, số thuế thu được từ NK ô tô nguyên chiếc còn thấp hơn các loại thuế thu được từ các công ty sản xuất (SX) ô tô và phụ trợ trong nước.

Thực tế cho thấy, các DN ô tô trong nước chủ yếu đang SX lắp ráp các xe tải từ 20 tấn trở xuống và đang trong quá trình đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (tỷ lệ nội địa hóa với nhiều mẫu xe tải đã đạt được mức 40%). Nói riêng như Vinaxuki, từ mức vốn đầu tư ban đầu là 300 tỷ đồng, nay đã nâng lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

"Dục tốc bất đạt?

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính hôm 22/10, Bộ Công thương cho biết, các loại xe tải nhẹ có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5- 10 tấn hiện nay trong nước đã SX được và thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải trong nước đã SX được ban hành theo Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Theo bộ này, Do các nhà máy trong nước SX xe tải có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5-10 tấn mới được đầu tư nên giá thành sản phẩm còn cao, áp lực thu hồi vốn đầu tư lớn. Việc áp dụng mức thuế NK hiện hành ở mức cao đối với xe tải nguyên chiếc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ SX trong nước theo yêu cầu nội địa hóa và hạn chế nhập siêu.

Bộ Công thương cũng cho rằng, đề xuất giảm thuế suất thuế NK của Bộ Tài chính so với thời hạn cuối cùng của cam kết gia nhập WTO (năm 2018) là quá sớm…

Để hỗ trợ SX trong nước và hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế NK hiện hành với thời gian áp dụng hết năm 2011, cụ thể: Xe dưới 5 tấn thuế suất đề nghị mới là 70% ( hiện hành là 80%); xe từ 5 - 10 tấn thuế suất 50% (hiện hành là 54-55%); xe từ 10-20 tấn là 30% (hiện hành là 30%); xe từ 20-45 tấn là 15% (thuế suất hiện hành là 8%). Sau giai đoạn 2011, tùy theo tình hình thực tế của việc SX, lắp ráp trong nước và sự chấp nhận của thị trường sẽ rà soát và xem xét việc điều chỉnh các loại thuế xuất trên…

TÔ TÔ

Đọc thêm